Điều đáng lo hơn là tỉ lệ tội phạm bạo lực tăng, tính chất bạo lực trầm trọng hơn, từ những mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng, bạn tình mà dễ dàng có thể dẫn đến những vụ trọng phạm giết người với những hành vi máu lạnh.
Khủng hoảng về sức khỏe tâm thần tăng mạnh sau Covid-19
Trong rất nhiều nguyên nhân được cho là dẫn đến thực trạng này có thể kể đến sự suy giảm chức năng của hệ thống dịch vụ công. Ví dụ, sau những đợt cao trào của dịch bệnh, khi chính sách giãn cách xã hội được nới lỏng cũng là lúc hệ thống an ninh, nguồn nhân lực trấn áp tội phạm đã trải qua sự căng thẳng đáng kể dẫn đến sự giám sát có phần lơi lỏng, tạo điều kiện cho những hành vi gây rối, mất trật tự công cộng tăng lên.
Bên cạnh đó, những áp lực về an sinh xã hội, bất an về tài chính, bất định về tương lai kinh tế và việc làm, tiếp cận với những tư tưởng cực đoan trên mạng, lạm dụng rượu và các chất gây nghiện… tất cả đã nhân lên những mâu thuẫn, tức giận, ghen tuông, hận thù giữa các thành viên khi phải ở cùng nhau thời gian dài trong những không gian chật hẹp làm mồi cho những hành vi bạo lực trong các mối quan hệ.
Nhưng trọng yếu hơn, sau đại dịch, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý cũng bị gián đoạn và tê liệt để ưu tiên cho những nhiệm vụ y tế cấp bách hơn, nguồn nhân lực các y bác sỹ cũng đã trở nên quá tải và kiệt sức cùng rất nhiều định kiến sẵn có liên quan đến sức khỏe tâm thần làm cho người dân không tìm kiếm giúp đỡ, không tự nguyện điều trị đã tạo ra một khoảng trống lớn khiến cho những người bị tổn thương tinh thần có nguy cơ hành vi bạo lực cao không có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và nhận hỗ trợ khẩn cấp.
Nhiều chuyên gia đã dự báo rằng sau khủng hoảng Covid-19 tiếp đến sẽ là khủng hoảng về sức khỏe tâm thần, là tiền đề gây ra các hành vi lệch chuẩn xã hội.
Trong khi đó, theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên thế giới hiện cứ 8 người thì có một người bị rối loạn tâm thần (bao gồm những biểu hiện lệch chuẩn, mất kiểm soát trong suy nghĩ, tình cảm và hành vi).
Sau giai đoạn Covid-19, tỉ lệ rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm đã tăng từ 28-30%, tỉ lệ thanh thiếu niên có ý tưởng tự sát tăng gấp 5 lần cho với bình thường. Vấn đề đáng nói là có đến 75% những người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc phù hợp.
Tỷ lệ bác sĩ tâm thần thấp
Nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần của Việt Nam với các bác sỹ tâm thần hiện còn thấp chỉ chiếm 0.99/100.000 dân so với trung bình cả thế giới là 1,7 và Châu Âu là 9,7.Tỉ lệ điều dưỡng làm trong lĩnh vực tâm thần (do không có điều dưỡng chuyên khoa) ở Việt Nam chỉ là 2,89/100.000 dân so với trung bình thế giới là 3,8 và Châu Âu là 25,2. Tỉ lệ cán bộ tâm lý làm việc trong hệ thống là 0,11/100.000 dân so với trung bình thế giới là 1,4 và Châu Âu là 5,4. Tỉ lệ nhân viên Công tác xã hội bệnh viện ở Việt Nam có tỉ lệ là 0,04/100.000 dân so với trung bình thế giới là 0,7 và Châu Âu là 2,0.
Xét trong toàn hệ thống của ngành Y tế, chúng ta có 3 Bệnh viện/ Viện sức khỏe tâm thần Trung Ương và 43 bệnh viện Tâm thần cấp Tỉnh như vậy tính trung bình một bệnh viện Tâm thần phục vụ khoảng hơn 2 triệu dân.
Tuy nhiên vì bệnh viện lại cơ cấu theo Tỉnh nên sẽ có những thành phố lớn 7-8 triệu dân như Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ có 1 bệnh viện Tâm thần dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ.
Ở trong các bệnh viện đa số đều chưa có Khoa Tâm lý trị liệu, những cán bộ tâm lý (nếu có) làm việc trong bệnh viện mới chủ yếu được giao nhiệm vụ làm trắc nghiệm tâm lý chứ không can thiệp tâm lý.
Tất cả các dịch vụ trị liệu tâm lý rất hạn chế, người thực hành trị liệu tâm lý chưa đủ năng lực và bằng cấp đào tạo phù hợp, không được giám sát chuyên môn. Trong con mắt của bác sỹ tâm thần, tâm lý trị liệu không phải là ưu tiên và cũng không phải là điều họ quan tâm.
Hiện tại mới chỉ có một số bệnh viện do có dự án hỗ trợ từ nước ngoài nên đã triển khai trị liệu tâm lý ví dụ như Viện Sức khoẻ tâm tần Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng, Bệnh viện tâm thần Khánh Hòa, Bệnh viện tâm thần Huế.
Ở tuyên cộng đồng, có một số dự án chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng đã được triển khai nhưng chủ yếu tập trung quản lý bệnh nặng như tâm thần phân liệt, động kinh… và điều trị bằng thuốc.
Còn trong hệ thống của ngành Lao động, Thương Binh & Xã hội, các cơ sở bảo trợ chăm sóc phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần cũng mới chỉ tập trung vào nhóm bệnh tâm thần mãn tính, điều trị bằng thuốc chứ chưa bắt buộc sử dụng can thiệp không dùng thuốc như trị liệu tâm lý như một cách thức phục hồi cho bệnh nhân.
Cần quan tâm xây dựng hệ thống tâm lý trị liệu về chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng
Trong bối cảnh khủng hoảng về sức khỏe tâm thần đang trở thành một vấn đề toàn cầu, nhu cầu gia tăng trong khi hệ thống quá tải và thiếu kết nối. Hiệp hội các nhà Tâm lý Mỹ (APA) gần đây cũng đưa ra cảnh báo tới các quốc gia rằng trong 1-2 thập niên qua, việc can thiệp các vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày càng trở nên lạm dụng thuốc (hóa dược) mà không sử dụng các hình thức can thiệp trị liệu tâm lý. Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy xấu.
Vì vậy, đứng trước các vấn đề hành vi lệch chuẩn, hành vi bạo lực xã hội, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, đảm bảo giá nhà ở có thể chi trả được, khả năng tiếp cận với các nguồn lực xã hội, hệ thống giáo dục để đưa con cái của người lao động tới trường, củng cố lại các hệ thống trấn áp tội phạm thì xây dựng, phát triển và chuẩn hóa nguồn nhân lực và các dịch vụ trị liệu tâm lý là một chiến lược cần thiết để xây dựng một đất nước hạnh phúc.
Chúng ta sẽ cần thực sự phải quan tâm và thúc đẩy việc xây dựng phát triển hệ thống tâm lý trị liệu và một chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng đặc biệt là chiến lược chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và vị thành niên, đưa các chương trình giáo dục về vệ sinh sức khỏe tâm thần vào trong các chương trình học đường.
Cá nhân tôi cảm thấy rất vui mừng là trong mấy ngày qua, Quốc hội đã thảo luận rất sôi nổi về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và theo ý kiến của cá đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung chức danh “tâm lý trị liệu” tại điểm h, khoản 1, điều 20, và giữ quy định về cấp giấy phép hành nghề cho y sỹ… Dự thảo hiện cũng đã đưa vào nhiều điểm mới như yêu cầu điều trị sức khỏe tâm thần với một số nhóm nguy cơ cao, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn diện (bên cạnh hóa dược phải có trị liệu tâm lý), cập nhật quy trình thăm khám sức khỏe tâm thần trong đó có các quy trình thăm khám về trị liệu tâm lý.
Hy vọng trong tương lai không xa, chúng ta sẽ có thêm nhiều bằng chứng thực tiễn để vận động và phát triển thêm chính sách hỗ trợ phát triển tâm lý trị liệu như hoàn thiện mã nghề “tâm lý trị liệu”, cấp chứng chỉ hành nghề tâm lý trị liệu, mở các mã ngành đào tạo tâm lý trị liệu tại các cơ sở đào tạo về khoa học sức khỏe, đưa các dịch vụ tâm lý trị liệu vào danh mục được bảo hiểm chi trả, có các vị trí việc làm cho nhà tâm lý trị liệu và xây dựng cơ chế tuyển dụng cán bộ trị liệu tâm lý làm việc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Khi sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của mỗi người đều được nhận ra, được chăm sóc và trở thành ưu tiên hàng đầu. Khi đó những ứng xử lệch chuẩn, những hành vi bạo lực trong xã hội sẽ giảm.