Hiện nay, năng suất lao động là một trong những “thước đo” quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia trên thế giới, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong mỗi quốc gia. Có nhiều động lực nâng cao năng suất lao động được xác định, trong đó phải kể đến ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Lý giải vai trò quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, các chuyên gia cho biết, khi xét theo cấu trúc toàn chuỗi giá trị, mọi hoạt động kinh tế đều có mối quan hệ gắn bó, ràng buộc với nhau và công nghiệp chế biến chế tạo là trọng tâm trong mối quan hệ đó.
Cụ thể, các ngành dịch vụ thường đóng góp 15-20% GDP, phụ thuộc rất lớn vào quy mô và trình độ phát triển hoạt động sản xuất; dịch vụ bán buôn, bán lẻ chính là hoạt động mua và bán hàng hóa do các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất ra.
Các lĩnh vực vận tải, kho bãi, logistics cũng không thể phát triển nếu không có hoạt động trao đổi hàng hoá tạo ra bởi ngành sản xuất. Logistics, vận tải, kho bãi vừa là ngành dịch vụ đóng góp vào GDP, đồng thời cũng là cấu phần trong chi phí đầu vào của ngành chế biến chế tạo và thương mại hàng hoá. Nếu những ngành này hoạt động kém hiệu quả sẽ làm tăng chi phí và giảm năng suất của các ngành chế biến, chế tạo.
Tại Quyết định số 1305 phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động từ nay đến năm 2030 cũng nêu rõ, mục tiêu cụ thể của chương trình là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,0 - 7,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7,0 - 7,5%/năm.
Theo chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia), để ngành sản xuất chế biến, chế tạo phát triển bền vững, trở thành động lực chính nâng cao năng suất chất lượng nền kinh tế cần tiếp tục triển khai các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất/nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế. Trong đó, cần chú trọng các giải pháp:
Một là, cần tập trung cải tiến công nghệ, quản lý năng lực sản xuất và nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động và hiệu quả doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi với xu hướng phát triển của thế giới và đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Hai là, tiếp tục xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành công nghệ trung bình và cao, giảm dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp công nghệ thấp, có năng suất lao động thấp.
Ba là, khuyến khích các tập đoàn tư nhân lớn đi đầu trong phát triển, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và phát triển chuỗi giá trị nội địa, hỗ trợ cho chiến lược cạnh tranh thị trường quốc tế của các sản phẩm thế mạnh mang thương hiệu Việt Nam. Xây dựng các chương trình, gói hỗ trợ cải tiến năng suất khác nhau tùy theo thực trạng năng suất của từng tiểu ngành để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Việc hỗ trợ cần tập trung vào đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng hệ thống quản trị; đào tạo nhân lực thích ứng với công nghệ mới; áp dụng các hệ thống, tiêu chuẩn, mô hình cải tiến năng suất, áp dụng các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Có thể nói, ngành sản xuất chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn và quyết định đối với chất lượng tăng trưởng nền kinh tế. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cùng với ổn định sản xuất sẽ là cơ hội nâng cao năng suất ngành sản xuất chế biến, chế tạo để ngành này đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển.