
Mặc dù hầu hết các quốc gia (trừ Mỹ) đều không thích trật tự đơn cực do Mỹ lãnh đạo nhưng việc hầu hết các cường quốc cũ (Nga, Pháp, Trung Quốc) hoặc mới nổi (Ấn Độ) đều tuyên bố hướng chính sách đối ngoại vào xây dựng một trật tự thế giới đa cực đã vô hình trung mặc nhận rằng thế giới ngày nay chưa phải là đa cực.
Việc các cường quốc thể hiện mong muốn xây dựng một trật tự đa cực cũng cho thấy xu hướng các quốc gia ngày nay không còn chấp nhận tình thế bá quyền của một quốc gia. Cả ở bình diện sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm, không thể phủ nhận rằng Mỹ đang là siêu cường nổi trội nhất và xứng đáng với tên gọi “đại siêu cường” (hyperpuissance) như cách dùng từ của ông Hubert Védrine, cựu Ngoại trưởng Pháp. Nhưng khi đại siêu cường chững bước chân hoặc do dự, nhiều siêu cường sẽ sẵn sàng tìm cách chia xẻ bớt uy quyền của đại siêu cường. Chính vì vậy mới có câu chuyện về một trật tự đa cực cũng như những câu chuyện “đối tác chiến lược” giữa Nga với Pháp, giữa Trung với Nga hay giữa Pháp với Ấn...
Việc hết thảy các cường quốc đều xem một trật tự đa cực như là mục tiêu phấn đấu của mình cũng cho thấy rằng họ không chấp nhận núp bóng đại siêu cường, chấp nhận là một “vệ tinh” của một cực. Việc họ mong muốn trở thành một cực, dù nhỏ hay lớn, cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ hút nhiều “vệ tinh” là các nước nhỏ hơn bởi một cực sẽ chẳng có ý nghĩa khi không có những vệ tinh cũng như là một “minh chủ” mà không có “quần hào” phò tá. Chính vì vậy mới có chuyện nhiều nước đang, đã hoặc sẽ trỗi dậy tranh giành các vùng ảnh hưởng cũ hoặc mới, tìm kiếm bạn, đồng minh lâu dài hoặc tạm thời, tập hợp lực lượng khu vực, tiểu khu vực, tìm kiếm một “thương hiệu”, một hình ảnh “minh chủ có trách nhiệm”.
Vậy thế giới đang ở trong trật tự nào? Những người biện luận cho một trật tự đa cực cho rằng thế giới đang chuyển sang trật tự mới, nơi nước Mỹ không còn vị trí bá chủ. Thế nhưng thực tế chưa hẳn như những gì mong muốn. Mỹ vẫn kiểm soát có hiệu quả hầu hết các đại dương và điều này đồng nghĩa với việc Mỹ có thể kiểm soát hầu hết các tuyến đường hàng hải quan trọng. Trong lịch sử nhân loại, có lẽ chưa một đế chế nào có thể làm như vậy. Không những thế, từ các đại dương, Mỹ không chỉ có thể kiểm soát được dòng chảy hàng hóa, mà còn có khả năng tác động hoặc thậm chí chi phối an ninh của mọi ngóc ngách trên thế giới. Trong khi đó, những công nghệ hiện đại cả ở lĩnh vực dân sự và quân sự đang hỗ trợ tốt nhất cho ưu thế này của Mỹ. Ở khía cạnh kinh tế, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP khoảng 13,2 tỷ USD, chiếm 27,5% GDP thế giới. Tổng GDP của 4 nền kinh tế đứng ngay sau Mỹ là Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Anh gộp lại cũng không đạt con số này. Với cách so sánh trên có thể thấy, những dự báo dù là lạc quan nhất cũng không thể khẳng định rằng Trung Quốc, Nga hay một thực thể nào đó, kể cả EU có thể sớm vượt mặt Mỹ. Đó là chưa kể sức mạnh mềm của chú Sam.
Những “anh hào” đang ngấp nghé hoặc đang được coi là ngấp nghé sánh vai cùng với Mỹ ở “chiếu trên” lại chưa đủ lực cho dù có những đồn đoán. Đúng là các nước mới nổi trong nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng. Dự trữ ngoại tệ của họ đang ngày một lớn và tỷ trọng trong nền kinh tế đang được cải thiện đáng kể (các nước đang phát triển chiếm tới 3/4 dự trự ngoại tệ thế giới, tỷ trọng kinh tế của các nước mới nổi tăng từ 39,7% những năm 90 lên 48% cuối năm 2007). Nhưng đứng riêng lẻ thì họ chưa thể đuổi kịp Mỹ và hơn nữa là sự thịnh vượng này đều có một mẫu số chung là Mỹ hoặc ít ra là những gì liên can đến Mỹ (vốn, thị trường, công nghệ...).
Không muốn một trật tự thế giới đơn cực nhưng rõ ràng giấc mơ đa cực vẫn chưa tới!
Đông A