Điển hình, trường hợp bệnh nhi 9 tuổi nhập viện với triệu chứng hoa mắt chóng mặt, choáng ngất. Trước đó, trẻ có tiền sử thiếu máu nặng, nội soi loét hành tá tràng Forett II, HP (+). Điều trị tái khám 2 lần, sau đó ngừng điều trị khoảng 05 tháng nay và cách thời điểm nhập viện 5 ngày, bệnh nhi có biểu hiện da xanh dần.
Qua khám lâm sàng cho thấy, bệnh nhi có triệu chứng thiếu máu rõ, da xanh, niêm mạc nhợt. Kết quả cận lâm sàng Hb: 74,8 g/l, Hct: 23%.
Tại đây, trẻ được truyền 2 đơn vị khối hồng cầu và nội soi dạ dày cấp cứu với ổ loét mặt trước hành tá tràng kích thước 8mm, bờ xung huyết đỏ, đáy phủ giả mạc và lộ điểm mạch phủ nút tiểu cầu, kíp nội soi đã tiến hành kẹp 02 clip vào ổ loét và đốt điểm mạch cầm máu.
Sau gần 1 tuần điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Huyền, Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ được phân thành hai nhóm tiên phát và thứ phát. Ở nhóm tiên phát, chủ yếu là mạn tính và tổn thương khu trú ở tá tràng, nguyên nhân chủ yếu 90% nhiễm Helicobacter pylori (vi khuẩn HP), 10% vô căn.
Còn ở nhóm thứ phát, chủ yếu là cấp tính, thường khu trú ở dạ dày, đa số do stress cấp tính và sử dụng một số loại thuốc như Corticoid, thuốc chống viêm không steroid (NSAID)…
Nếu viêm loét dạ dày tá tràng không được phát hiện sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện đại tiện phân đen/máu hoặc nôn máu.
Các tổn thương dạ dày - tá tràng chẩn đoán được bằng nội soi tiêu hóa, đồng thời bác sĩ có thể lấy bệnh phẩm để chẩn đoán nguyên nhân hoặc thực hiện thủ thuật can thiệp cầm máu hiệu quả.
“Đây là bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bên cạnh điều trị một số nguyên nhân có thể phát hiện được như diệt vi khuẩn HP và các bệnh chính gây viêm loét, dùng thuốc giảm đau chống viêm đúng chỉ định, liều lượng và thời gian dùng thuốc thì tuân thủ điều trị, tuân thủ tái khám và chế độ sinh hoạt của trẻ cũng góp phần không nhỏ vào thành công của phác đồ điều trị”, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền nhấn mạnh.
Bác sĩ khuyến cáo để phòng bệnh cho trẻ, các gia đình cần chú ý tránh cho các bé ăn nhiều đồ cay nóng, chiên xào, ăn không đúng bữa, uống nhiều các chất kích thích như cà phê, nước ngọt có ga. Khuyến khích trẻ ăn chậm, nhai kĩ và không cho trẻ vừa ăn vừa xem ti vi, chơi điện tử, ăn xong không nghỉ ngơi, vội vàng hoạt động thể lực chạy nhảy, chơi thể thao…
Bên cạnh đó, không để trẻ thức quá khuya, ngủ không đủ giấc, không gây áp lực cho trẻ về cuộc sống, sinh hoạt, học tập, nên tạo tâm lý thoải mái qua đó giúp cho việc điều trị bệnh trở nên thuận lợi hơn.
Đồng thời, phụ huynh cần chú ý nếu trẻ bị một số biểu hiện như đau bụng dai dẳng, chóng mặt, da xanh, nôn máu, đại tiện phân đen, ợ hơi, ợ chua, chán ăn, chậm tăng cân, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.