Trong một thời gian dài, cổ phiếu của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco; mã chứng khoán: SAB) luôn được xếp trong nhóm cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán, duy trì giao dịch ở mức 3 chữ số.
Tuy nhiên, tính từ khi lên đỉnh vào tháng 2.2023 với giá tiệm cận 200.000/cp, đến nay cổ phiếu SAB liên tục lao dốc. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20.10.2023, giá cổ phiếu SAB đã xuống mức 70.000/cp.
Như vậy, giá cổ phiếu của SAB đã “bốc hơi” hơn 60% so với hồi tháng 2, giá trị vốn hoá của Sabeco theo đó cũng đã rơi về mức gần 90.000 tỷ đồng, càng cách xa hơn nhóm doanh nghiệp vốn hoá 100.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán.
Nhìn lại lịch sử kinh doanh từ đầu năm đến nay có thể thấy, Quý I năm nay, doanh thu Sabeco đạt hơn 6.200 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ. Sức mua giảm nên hàng tồn kho thành phẩm của hãng bia này tăng 18%, lên hơn 1.000 tỷ đồng,
Lợi nhuận gộp Sabeco cũng giảm 12% về còn 1.915 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng 56%, lên 358 tỷ đồng. Lãi từ công ty liên doanh liên kết giảm 19% còn 44 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng gần gấp đôi, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đồng loạt tăng.
Sau khi trừ giá vốn và chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm gần 19% so với cùng kỳ còn 1.004 tỷ đồng và là mức lãi thấp nhất trong 6 quý gần đây.
Bước sang quý 2, doanh nghiệp có 8.312 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh doanh thu giảm khá mạnh trong khi giá vốn hàng bán chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ dẫn tới lợi nhuận gộp của SAB giảm gần 20% so với cùng kỳ xuống mức 2.487 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối tháng 6.2023, Sabeco tiêu tốn 1.221 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi, con số này tăng mạnh so với cùng kỳ. Nếu tính bình quân trong nửa năm qua, mỗi ngày hãng bia này chấp nhận “mất đứt” hơn 6 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mãi nhằm gia tăng doanh số. Trừ hết đi chi phí, Sabeco “bỏ túi” 1.159 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 14.526 tỷ đồng doanh thu thuần, 2.127 tỷ đồng lãi sau thuế giảm lần lượt 11%, 25% so với cùng kỳ.
Năm 2023, công ty đặt mục tiêu 40.272 tỷ đồng doanh thu, 5.775 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 15%, 5% so với cùng kỳ. Như vậy,hết quý 2.2023, Sabeco mới hoàn thành 36% kế hoạch doanh thu và hơn 37% kế hoạch lợi nhuận sau nửa năm 2023.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30.6.2023, tổng tài sản của Sabeco đạt 33.647 tỷ đồng, giảm 818 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Về chất lượng tài sản, Sabeco đang có tiền mặt và tiền gửi ngân hàng hơn 22.380 tỷ đồng. Với lượng tiền gửi “khổng lồ” nêu trên, Sabeco nhận về 684 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm 2023, tăng mạnh tới 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong kỳ, lượng hàng tồn to đã tăng thêm hơn 10% so với hồi đầu năm lên mức 2.506 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng tồn kho tập trung chủ yếu vào thành phẩm, hàng hoá.
Việc lượng hàng hoá tồn kho lớn là điều Sabeco cần quan tâm vì theo phân tích của giới chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, Sabeco có thể đối mặt với nhiều rủi ro như: Mất thị phần do áp lực cạnh tranh; Biến động giá nguyên vật liệu ảnh hưởng đến biên lợi nhuận; Thắt chặt các quy định quản lý đối với ngành bia như quy định chặt chẽ đối với hoạt quảng cáo, tiếp thị; xử phạt nặng đối với các hành động uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông và các loại thuế...