Vị thế đặc biệt với các tộc người
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được chia thành 4 hệ thống do ngành văn hóa, thể thao, và du lịch, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động, lực lượng vũ trang, các bộ, ngành khác quản lý và các thiết chế văn hóa thể thao do xã hội hóa xây dựng.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nội dung này đề cập đến thiết chế văn hóa đương đại có lẽ phù hợp hơn với thiết chế văn hóa cổ truyền. Trên thực tế, một số thiết chế gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần truyền thống, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân như: đình làng, chùa, am, miếu, nhà thờ, nhà rông… dù đã được quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, vẫn chưa được xem là thiết chế văn hóa, thể thao.
Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Chí Bền cho rằng, thiết chế văn hóa, thể thao bao gồm thiết chế văn hóa cổ truyền và thiết chế văn hóa đương đại. Nói đến thiết chế văn hóa đương đại là nói đến nhà văn hóa, khu thể thao ở cấp thôn/khu phố, ở cấp xã, phường, thị trấn, ở cấp huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh và ở cấp tỉnh/thành phố thuộc Trung ương. Nói đến thiết chế văn hóa cổ truyền là nói đến chùa, đình, đền, phủ… ở các làng, xã, nhà rông, nhà gươl ở buôn, bon, plei… Hệ thống thiết chế này là thực thể có vai trò quan trọng, tác động đến sự phát triển của văn hóa Việt Nam.
Theo GS.TS. Nguyễn Chí Bền, thiết chế văn hóa cổ truyền đầu tiên cần được quan tâm là đình làng, chùa làng. Đây là những thiết chế văn hóa truyền thống ở làng xã trước kia, cũng như hiện nay với người Việt. Dù tọa lạc ở vị trí nào thì đình, chùa vẫn hiện diện vừa thân thiết gần gũi, vừa huyền ảo lay động cõi tâm linh trong đời sống tinh thần của người dân. Đồng bào các dân tộc thiểu số cũng có thiết chế văn hóa truyền thống quan trọng riêng. Ví dụ, với dân tộc Ba Na ở Tây Nguyên, thiết chế văn hóa truyền thống quan trọng là nhà rông; trong khi với tộc người Cơ Tu, bao đời nay, sống quây quần bên những ngôi nhà xếp vòng thành hình bầu dục, chính giữa là nhà gươl… Đó không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật, mà còn là bộ mặt, niềm tin, lòng kiêu hãnh, là nơi hội tụ giá trị tinh thần của cả buôn làng…
“Làng xã của người Kinh (Việt) hay các buôn, plei, bon… của đồng bào các dân tộc thiểu số đều có thiết chế văn hóa truyền thống. Các thiết chế văn hóa truyền thống có vị thế đặc biệt với tộc người, dù ở phương diện thế tục hay ở tâm linh. Các đặc điểm này của các thiết chế văn hóa cổ truyền tồn tại trong quá khứ, và có sự biến đổi trong xã hội đương đại, là nơi hội tụ bản sắc tộc người, bản sắc vùng văn hóa của văn hóa Việt Nam”, GS.TS. Nguyễn Chí Bền nhận định.
Để cộng đồng “cộng mệnh, cộng cảm”
TS. Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống thiết chế cũng có sự đa dạng về loại hình nhưng tập trung hơn là những thiết chế liên quan đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng... Không chỉ thuần túy là nơi sinh hoạt, mà còn có vai trò, vị trí đặc biệt trong sáng tạo, trao truyền và thực hành văn hóa mà qua thời gian, những thiết chế đó đã trở thành di sản, biểu tượng văn hóa, nói lên bản sắc, truyền thống lịch sử - văn hóa của cộng đồng, thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Với thế hệ trẻ, khi được trải nghiệm, được sống trong những không gian văn hóa, sống cùng với di sản sẽ giúp họ hiểu sâu hơn về cội nguồn, gắn bó mật thiết với quá khứ và sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Những năm qua, một số địa phương đã chủ động gắn kết thiết chế văn hóa cổ truyền với thiết chế văn hóa đương đại. Chẳng hạn, từ năm 2000, Quảng Nam có chủ trương khôi phục nhà truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhà gươl của người Cơ Tu. Hoặc Bắc Ninh khi thực hiện bảo vệ và phát huy di sản dân ca quan họ đã tiến hành phục dựng nhà chứa Quan họ tại những làng quan họ cổ. Đến nay, các thiết chế này đã phát huy công năng, tác dụng với công tác bảo vệ, phát huy di sản văn hóa ở địa phương.
Đáng tiếc là trên mặt bằng chung, việc phát huy giá trị của thiết chế văn hóa cổ truyền hầu như chưa được chú trọng trong quá trình xây dựng các thiết chế văn hóa đương đại. Thời gian qua, làng và nhà văn hóa thôn/làng không gắn kết được với nhau. Nhà văn hóa thôn/làng là nơi tập thể dục, họp hành của thôn/làng, thuần túy có chức năng hành chính. Nhà rông văn hóa ở Tây Nguyên không thu hút được cộng đồng vì khi xây dựng không sử dụng tri thức dân gian của các già làng. Nói như GS.TS. Nguyễn Chí Bền, có sự tách biệt giữa thiết chế văn hóa cổ truyền và thiết chế văn hóa đương đại, vô hình trung tạo ra sự cách biệt giữa truyền thống và đương đại.
GS.TS. Nguyễn Chí Bền nhấn mạnh: “Xem xét vai trò của thiết chế văn hóa, thể thao trong xã hội đương đại, nhất là ở cơ sở, chúng ta phải thấy cả thiết chế văn hóa cổ truyền lẫn thiết chế văn hóa đương đại. Việc bảo tồn và phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa cổ truyền phải đặc biệt quan tâm chủ thể/khách thể của văn hóa, để cộng đồng “cộng mệnh, cộng cảm” (chữ dùng của GS. Ngô Đức Thịnh) khi tham gia các sinh hoạt văn hóa, thể thao tại các thiết chế văn hóa mới”.