
Eo biển Hormuz có vị trí đặc biệt quan trọng về địa chiến lược tại vùng Vịnh. Khoảng 40% lượng dầu cung cấp cho thế giới, vận chuyển bằng đường hàng hải đi qua eo biển này. Trước khi thế giới có đường vận chuyển tương đương khác, việc bảo đảm giao thương bình thường qua eo biển Hormuz là một yếu tố sống còn để ổn định giá dầu thế giới. Trong điều kiện bình thường, Iran sẽ không quyết định đóng cửa eo biển Hormuz. Nhưng nếu chiến sự nổ ra, không ai có thể ép Iran khước từ lựa chọn đóng cửa eo biển này. Đó là chưa kể đến sức ép của Lực lượng vệ binh cách mạng đối với Chính phủ Iran trong trường hợp một phần lãnh thổ nước này bị phương Tây tấn công.
Iran có 3 lựa chọn để ngăn chặn giao thương qua eo biển Hormuz.
Thứ nhất, hải quân tiến hành phong tỏa hoặc trực tiếp tấn công các tàu qua lại. Phương án này có vẻ ít khả thi và không hiểu quả vì sẽ bị hệ thống phòng thủ của lực lượng không quân và hải quân Mỹ triển khai trong khu vực nhanh chóng tiêu diệt.
Thứ hai, Iran có thể phong tỏa từng phần của eo biển Hormuz, tấn công riêng lẻ các tàu qua lại ở những nơi nước nông và phá hoại hành lang quá cảnh. Động thái này sẽ ngăn chặn giao thương qua eo biển và gây khó khăn cho các lực lượng phương Tây muốn duy trì hoạt động đi lại bình thường trên eo biển này. Dù sao đi nữa, trong cả hai khả năng trên, Iran đều cần phải liên kết được một lực lượng đáng kể chống lại quân Mỹ và đồng minh.
Thứ ba, Iran có thể tiến hành các hoạt động ngăn chặn thông qua tổ hợp tên lửa di động sử dụng tên lửa chống tàu từ mặt đất (đất đối hạm) như hệ thống C-508 do Trung Quốc sản xuất, hoặc ngư lôi Shkval mà Nga trang bị cho các giàn phóng di động mới của Iran. Các hoạt động này sẽ tác động trực tiếp tới các tàu dân sự, làm suy yếu các tàu quân sự, nhất là khi các tàu này bị buộc phải hoạt động ở tốc độ thấp trong khu vực “đường hẹp” của eo biển. Trong trường hợp này, Iran sẽ gặp khó khăn trong việc ngụy trang các giàn phóng, phát huy tính hiệu quả của các giàn phóng và di chuyển mỗi giàn phóng sau khi tấn công, bởi hệ thống định vị của Mỹ sẽ xác định được chính xác vị trí các giàn phóng của Iran ngay sau khi tên lửa được phóng đi. Ngay sau đó, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ được kích hoạt.
Về lý thuyết, Mỹ và các đồng minh sẽ hạn chế tối đa thiệt hại về quân sự. Sức mạnh của hải quân Mỹ và đồng minh cùng với hệ thống phòng thủ Aegis có thể giảm thiểu hiệu quả các cuộc tấn công của Iran nhằm vào các tàu dân sự. Tuy nhiên, nếu sử dụng hệ thống nhiều thuyền cao tốc tấn công cùng lúc như mô tả trong học thuyết hải quân của Iran, phối hợp hiệu quả với các tàu ẩn nấp dọc bờ biển và trong điều kiện không gian hẹp, nơi các tàu lớn của Mỹ không thể hoạt động ở điều kiện tốt nhất, Iran hoàn toàn giành thế thượng phong trong cuộc đối đầu với những tàu chiến có kích thước bất kỳ của Mỹ và liên quân. Khi đó, Iran sẽ ghi điểm trong cuộc chiến trên các phương tiện truyền thông, một cuộc chiến chắc chắn sẽ diễn ra song song và khốc liệt không kém cuộc chiến trên thực địa.
Tất nhiên, Mỹ và phương Tây sẽ tìm giải pháp thông qua các đường vận chuyển thay thế. Tuy vậy, cùng với việc hạn chế dòng chảy dầu qua eo biển Hormuz, giá dầu trên thế giới có thể chứng kiến một điệu valse mới mà Mỹ và phương Tây - vẫn còn lao đao sau khủng hoảng kinh tế, chắc chắn không mong muốn. Đó là chưa kể, bản thân Mỹ đang phải đối mặt với sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico, buộc Chính quyền Obama phải tạm dừng kế hoạch khai thác dầu ngoài khơi.
Nhận thức đúng về những rủi ro liên quan đến kịch bản quân sự có thể giúp giảm khả năng xảy ra xung đột vũ trang. Tuy vậy, vấn đề là phải tìm lựa chọn thay thế khả thi trước khi tìm thấy đường vận chuyển thay thế cho eo biển Hormuz. Trong tiến trình đó, Mỹ và phương Tây luôn bị ám ảnh bởi nguy cơ Iran tận dụng thời gian để phát triển chương trình hạt nhân và lực lượng quân sự. Khi đó, lựa chọn giải pháp quân sự sẽ càng khó khăn hơn.