Dự án có tên IPCEI Cơ sở hạ tầng và dịch vụ đám mây thế hệ tiếp theo (IPCEI CIS), được hỗ trợ bởi 7 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) gồm Pháp, Đức, Hungary, Italy, Hà Lan, Ba Lan và Tây Ban Nha. EC cho biết, các quốc gia này sẽ trích 1,2 tỷ euro quỹ công cho dự án được kỳ vọng sẽ thu hút thêm 1,4 tỷ euro đầu tư tư nhân này.

Ủy viên tư pháp của EU Didier Reynders cho biết, dự án IPCEI ban đầu sẽ tạo ra khoảng 1.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho các nhà khoa học dữ liệu hoặc chuyên gia AI. Ông cho biết thêm, dự án này mang lại tính đổi mới trong việc bảo đảm tiền công sẽ được sử dụng một cách hiệu quả, làm cho nền kinh tế của EU trở nên đổi mới và hiệu quả hơn.
EU xây dựng dự án này nhằm hướng tới lợi ích chung của châu Âu trong lĩnh vực điện toán đám mây (IPCEI), với mục đích tập hợp nghiên cứu, tài chính và kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khối, tăng cường khả năng cạnh tranh, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số của châu lục này.
Kể từ năm 2018, EU đã phê duyệt 6 IPCEI trong lĩnh vực sản xuất pin, khí hydro, vi điện tử và công nghệ truyền thông. Và hiện nay có 19 công ty tham gia dự án điện toán đám mây châu Âu, trong đó có Atos và Orange (Pháp), Deutsche Telekom và SAP (Đức), Telecom Itali (Italy) và Telefonica Espana (Tây Ban Nha).
Hiện nay, Mỹ là quốc gia đứng đầu trong ngành điện toán đám mây, sở hữu 3 “ông lớn” là Amazon, Microsoft và Google.