“Tính bao cấp làm hỏng thị trường”
Tại Tọa đàm “Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 31.10, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa phân tích, việc tính toán giá điện đã có nguyên tắc nhất quán mà Chính phủ đã đề ra (Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định 6 tháng điều chỉnh một lần nếu các chi phí đầu vào qua kiểm toán/kiểm soát tăng). Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai thực hiện mới chỉ có 3 lần điều chỉnh giá, không bảo đảm thời gian theo quy định. Các lần điều chỉnh đều không bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất và có lợi cho sản xuất kinh doanh điện, điều này còn bởi để bảo đảm mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát hay hỗ trợ người dân do dịch bệnh, thiên tai.
Ông Thỏa nêu dẫn chứng, năm ngoái, giá thành sản xuất điện tăng 9,27% nhưng chỉ tăng giá điện 3%. Hệ quả là dòng tiền để tiếp tục đầu tư cho sản xuất kinh doanh điện gặp khó khăn, chưa nói đến tái sản xuất. Mặt khác, giá điện càng thấp thì nhà đầu tư càng không mặn mà đầu tư xây dựng hệ thống phát, hệ thống truyền tải và phân phối. “Giá bán điện thấp sẽ tốt cho đời sống xã hội, cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, song khi đầu vào không thực khiến sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá thị trường”, ông Thỏa phát biểu.
PGS.TS. Trần Đình Thiên bổ sung, giá bán điện thấp hơn giá thành sẽ khuyến khích tiêu dùng điện nhiều hơn, trong khi lại không khuyến khích đầu tư sản xuất điện. Thực tế, Nhà nước đã hỗ trợ một phần cho giá điện là cách để bù vào giá điện thấp, song hỗ trợ lại “đang có vấn đề” nên ảnh hưởng trực tiếp tới giá điện thực tế.
Theo vị chuyên gia này, đáng ra giá điện phải bảo đảm thị trường cân bằng, song nếu đưa tất cả vào giá điện (hàm ý chỉ việc hỗ trợ giá điện của Nhà nước) là không rõ ràng rành mạch và “tính bao cấp đó làm hỏng thị trường”, khiến giá bán thấp hơn giá thành và dẫn đến sự thua lỗ của EVN cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất điện khác.
Đã đến lúc sửa Luật Điện lực
Lâu nay, khi bàn đến giá điện, có luồng quan điểm cho rằng trong bối cảnh thu nhập của người dân vẫn còn khá thấp thì giá điện thấp là phù hợp. Song, theo ông Thiên, lập luận này không phù hợp và không phải là luận cứ để làm chính sách, bởi nó không chỉ liên quan đến tiêu dùng mà còn đến sản xuất. Giá điện buộc phải bù tốt cho sản xuất và tiêu dùng điện! Ông Thiên gợi mở, tầm nhìn chiến lược phải là nếu vẫn duy trì giá điện thấp thì có khả năng sẽ tạo bẫy công nghệ cho Việt Nam, tức là khuyến khích đầu tư cho công nghệ thấp, sử dụng nhiều điện năng, đồng nghĩa đất nước sẽ không thể phát triển.
Cũng theo ông Thiên, tính đúng, tính đủ vào chi phí giá điện là rất cần thiết, nếu không sẽ không thể khuyến khích đầu tư sản xuất điện. Song, thế nào là tính đúng, tính đủ là vấn đề rất phức tạp. Về mặt nguyên tắc, cần phải thống nhất rằng nguyên lý thị trường phải là nguyên lý chi phối, dẫn dắt. Phải tách càng rõ ràng càng tốt giữa giá điện thị trường và việc hỗ trợ cho các nhóm xã hội thu nhập thấp, khi đó các nhà sản xuất điện sẽ không lỗ và không có nguy cơ phá sản. “Giá điện cao chưa “chết” nhưng mất điện sẽ rất gay go. Điều đó cho thấy, công cụ giá là cần phải được đưa ra sử dụng hiệu quả nhất, theo nguyên tắc thị trường. Tính đúng, tính đủ là yêu cầu khách quan và sẽ dẫn dắt sự phát triển của chúng ta”, ông Thiên bình luận.
Cho rằng đã đến lúc phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện bảo đảm được nguyên tắc mà chúng ta đã đề ra, ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất, đã đến lúc cần sửa đổi Luật Điện lực, trong đó có vấn đề về giá, sửa theo hướng thị trường. Hiện, chúng ta đang chuẩn bị vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và cần phải đẩy nhanh lộ trình này. Nhà nước luôn có chính sách hỗ trợ ngoài giá điện, đừng nghĩ là trong giá điện phải có chính sách an sinh xã hội. “Đã thị trường thì phải thị trường”, ông Thỏa nêu quan điểm.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu bổ sung, về mặt chính sách phải bảo đảm an ninh nguồn điện, nhất là phải bảo đảm đủ điện cho sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội. Điều này đỏi hỏi cách tiếp cận phải đồng bộ kịp thời; cùng với đó, cần rà soát các quy định để giảm bớt sự độc quyền trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh, giảm chi phí trong sản xuất điện; khi các chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi cũng là một cách để thu hút đầu tư vào ngành điện.