Đây là nghịch lý mà nhiều đại biểu đã chỉ ra tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh do Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức.
Đất nông, lâm trường - công ty thừa, người dân thiếu
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, về cơ bản, các công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đã lập được quy hoạch sử dụng đất gắn với phương án sản xuất kinh doanh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ngành. Xác định được diện tích cần thiết để giữ lại và chuyển sang thuê, diện tích bàn giao về địa phương.
Tuy nhiên, có một thực tế là việc thu hồi đất của các nông, lâm trường giao lại cho địa phương quản lý còn chậm, dẫn đến tình trạng đất “vô chủ”, không có người quản lý kéo dài, tạo kẽ hở cho việc lấn chiếm đất trái phép. Thậm chí nhiều nông, lâm trường quốc doanh vẫn còn quỹ đất có thể khai thác lại bỏ phí, sử dụng kém hiệu quả; khi tiến hành trồng rừng, thu hút đầu tư lại ở nguồn lực bên ngoài vào. Sự lãng phí đó càng nhức nhối khi thực tế nhiều địa phương vẫn đang thiếu quỹ đất để giao cho nông dân sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc ít người để xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế. Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho thấy, hiện có hơn 30.000 hộ dân đang thiếu đất sản xuất, không có đất sản xuất. Giám sát tại các địa phương, ĐBQH Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cho biết, rất nhiều nơi bà con không đủ đất sản xuất hoặc có đất thì rất xấu không sản xuất được. Nhiều nơi như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang… dù chính quyền địa phương rất kiên quyết thu hồi đất nông, lâm trường giao cho dân, tuy nhiên, diện tích đất được thu hồi không nhiều. Một số nơi bàn giao đất tốt nhưng địa phương còn lúng túng do không xác định được trữ lượng rừng để bàn giao và cách tính giá trị tài sản trên đất. Là một trong những địa phương có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, ĐBQH Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) nêu thực tế, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn do thiếu đất, cùng với tập quán sinh sống di cư nên việc lấn chiếm, chặt phá trên diện tích đất nông, lâm trường diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý.
![]() Nguồn: memoriesbaoloc.com |
Chỉ “tự soi gương” sẽ “khó sửa mình”?
Nguyên nhân chính của hạn chế, tồn tại nêu trên được các đại biểu chỉ ra là do hạn chế trong công tác lập và thực hiện quy hoạch sử dụng đất của các nông, lâm trường. Nhiều diện tích đất bàn giao cho địa phương chủ yếu lại là đất các công trình hạ tầng công cộng hoặc đất xa, xấu, khó canh tác, đất đang có tranh chấp hoặc vi phạm khó giải quyết. Việc bàn giao đất cho địa phương, thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các nông, lâm trường trong nhiều trường hợp vẫn dựa trên tài liệu bản đồ kém chính xác, thiếu độ tin cậy, thiếu rà soát, đối chiếu trên thực địa. Các doanh nghiệp từ rà soát xây dựng đề án trình lên Chính phủ hoặc đơn vị chủ quản, thiếu sự giám sát của chính quyền địa phương và đơn vị liên quan. Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, việc xây dựng phương án tổ chức sản xuất sau chuyển đổi do các công ty nông, lâm nghiệp tự xây dựng nên không tránh khỏi tình trạng “tự soi gương sửa mình”, dẫn đến thiếu tiêu chí để thẩm định, cho phép.
Chuẩn bị cho hoạt động giám sát tối cao của QH tại Kỳ họp thứ 10 tới, Đoàn giám sát của UBTVQH Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014 đã làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương trên cả nước, trực tiếp khảo sát thực tế tại một số nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp… Số liệu của Đoàn giám sát cho thấy, tính ra trong 10 năm (2004 - 2014), hiệu quả kinh tế cũng như lợi ích mà các nông, lâm trường mang lại chưa tương xứng với diện tích đất đai rộng lớn được giao quản lý, sử dụng. Một trong những thực trạng phổ biến là các nông, lâm trường quốc doanh làm ăn chưa có hiệu quả, còn để lãng phí đất đai, làm thất thu cho ngân sách nhà nước… Đây là tình trạng phải được chấn chỉnh ngay, không thể để kéo dài thêm nữa. Ví quản lý đất đai nông, lâm trường như việc quản lý một gia đình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, muốn quản lý được trước hết phải biết đất đai của mình đến đâu. Nếu chưa xác định được thì rõ ràng không thể quản lý tốt.
Tiếp nối chuỗi hoạt động giám sát tại các bộ, ngành, địa phương, công ty nông, lâm nghiệp… Hội đồng Dân tộc, cơ quan được giao chủ trì tiến hành đợt giám sát chuyên đề này, đã tổ chức Hội thảo để các chuyên gia, ĐBQH trao đổi, tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh, cung cấp thêm thông tin cho các ĐBQH trước khi diễn ra hoạt động giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 10 tới. Một trong những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo là QH cần cân nhắc thấu đáo và quyết một chính sách, giải pháp đặc biệt, tạo bước đột phá trong quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh. Đất đai và tài nguyên rừng phải được giao cho những chủ thể cụ thể quản lý, sử dụng có hiệu quả, gắn quyền lợi với trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ, phát triển rừng.
Đối với các địa phương, cần lập được phương án quản lý, sử dụng đất đối với diện tích đất do các nông, lâm trường bàn giao cho địa phương quản lý. Có giải pháp giải quyết và xử lý dứt điểm các tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai tại các nông, lâm trường trên địa bàn. Đánh giá đúng nhu cầu thực tế để giao đất và sử dụng đất rừng hiệu quả, bền vững. Riêng đối với các công ty nông, lâm nghiệp chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh phải khẩn trương rà soát, điều chỉnh phương án sử dụng đất phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh sau khi được sắp xếp lại, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Đồng thời phải xác định rõ diện tích các loại đất quản lý, sử dụng cho từng mục đích. Trong tổng thể các giải pháp ấy, cần quan tâm đến việc lấy một phần diện tích đất đai giao cho các công ty nông, lâm nghiệp nhưng đang không được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả để giao lại cho dân, đặc biệt là những hộ dân đang thiếu đất sản xuất. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là giải pháp góp phần xử lý những bất cập liên quan đến hiệu quả sử dụng đất đai nông, lâm trường, tạo điều kiện cho người dân phát triển sinh kế, thoát nghèo bền vững.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến, hiện các công ty nông, lâm nghiệp đang hoạt động dưới 3 hình thức: tự tổ chức sản xuất, khoán sử dụng đất và liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, vẫn chưa có một tổng kết, đánh giá nào về hiệu quả hoạt động của các mô hình này. Vẫn còn tình trạng “khoán trắng”, bỏ hoang hóa đất. Trách nhiệm về tài chính đất đai của nông, lâm trường quốc doanh không còn được thực hiện, nợ đọng tài chính kéo dài. __________________ ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị, trước hết phải đánh giá được công tác quy hoạch đối với hơn 2 triệu hécta đất và rừng của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp lại. Trong đó, bao nhiêu diện tích là rừng đặc dụng, bao nhiêu là rừng sản xuất và bao nhiêu là đất trống. Tại sao sau 8 năm chuyển đổi vẫn còn đất trống? Thứ hai, cần cân đối lại quy hoạch diện tích giữa rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Vì trước đây khi thực hiện quy hoạch trên bản đồ đã không tiến hành lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học có liên quan. Thực tế, hiện nay rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chiếm gần 50%, trong khi đó rừng sản xuất chỉ chiếm trên 50%, nhưng nhu cầu về rừng sản xuất lại nhiều. |