Kinh Qur'an là thánh thư của Hồi giáo, được thiết lập gồm 30 phần, 114 chương (Surah) với 6.211 câu (Ayat) và được viết bằng tiếng Ảrập. Theo Hồi giáo, kinh Qur'an là những lời giáo huấn của Thượng đế cho mọi người mà Thiên sứ Mohammad đã nhận được qua thiên thần Gabriel trong khoảng 22 năm (610 - 632). Thực ra, kinh Qur'an là tập hợp những lời thuyết đạo của Mohammad lúc còn tại thế, mãi về sau này được sưu tầm, biên soạn thành văn bản chính thức lưu truyền cho đến ngày nay. Kinh Qur'an được người Hồi giáo coi là "cuốn sách vĩ đại nhất, thông thái nhất" chứa đựng mọi "chân lý và tri thức" của loài người.
Kinh Qur'an không đơn thuần là kinh sách tôn giáo mà còn có ý nghĩa về tính pháp lý trong xã hội, có nhiều quy định về vệ sinh, ăn ở, hôn nhân, cách cư xử trong gia đình và trong quan hệ xã hội như: quan hệ mua bán, tài chính, chính trị - có cả tội ác và hình phạt. Đây là một đặc điểm quan trọng nhất của Hồi giáo, nó thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa đạo với đời, giữa tôn giáo và chính trị.
Ngoài những điều, hành vi cuộc sống thường nhật của con người mà kinh Qur'an không quy định, hành vi “đối nhân xử thế” của Mohammad hoặc những việc làm của tín đồ mà không bị ngăn cấm đều được coi như những điều luật về tôn giáo và đạo đức của con người. Sự ghi nhận đó là cơ sở và nguồn gốc sách luật thứ hai của tín ngưỡng Hồi giáo - luật Sariat.
Hồi giáo không có hệ thống phẩm trật chức sắc, tuy nhiên giáo luật Hồi giáo lại chứa đựng nhiều nội dung và hành vi xử thế trong cuộc sống xã hội - con người có tính chất bắt buộc cao và rất khắt khe. Nó vượt ra khỏi phạm vi đức tin và những sinh hoạt tôn giáo thuần túy để trở thành tiêu chuẩn pháp lý trong đời sống xã hội, chi phối mọi hoạt động của người Hồi giáo. Vì vậy, một số quốc gia Hồi giáo áp dụng và đưa luật Hồi giáo vào quản lý đất nước hoặc được thực hiện với luật pháp nhà nước.
Giáo luật Hồi giáo tập trung vào 5 điều sống đạo cơ bản (còn gọi là 5 cốt đạo): Xác tín hoặc còn gọi là biểu lộ đức tin (Tawhid); cầu nguyện mỗi ngày (Solah); Tháng lễ Ramadan - tháng 9 Hồi lịch; Bố thí (Zakat); hành hương (Hadji) viếng thánh địa Mecca. Ngoài ra, những tín đồ Hồi giáo còn có nghĩa vụ dự thánh chiến (Jihad).