Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia:

Văn bản hướng dẫn không rõ, chưa sát thực tiễn

- Thứ Hai, 15/05/2023, 08:40 - Chia sẻ

Tại cuộc làm việc với Ủy ban Dân tộc sáng 8.5 vừa qua, các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, như một số dự án thành phần khó thực hiện, văn bản hướng dẫn không rõ, không sát thực tiễn, tiến độ triển khai còn chậm. 

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh:
Một số dự án thành phần rất khó thực hiện

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh - Ảnh Hoàng Ngọc

Qua thực tiễn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho thấy, về cơ bản các địa phương đã được thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình). Các đối tượng thuộc Quyết định 861/QĐ - TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định 612/QĐ - UBDT ngày 16.9.2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đều được hưởng lợi từ Chương trình. Tuy nhiên, cũng theo Quyết định 861, Quyết định 612, mà nhiều người dân lẽ ra là đối tượng của Chương trình, lại không được hưởng lợi. Bởi, có người dân thuộc xã đặc biệt khó khăn nhưng khi sáp nhập xã, họ không còn đáp ứng tiêu chí xã đặc biệt khó khăn, hoặc có những thôn đặc biệt khó khăn khi sáp nhập thôn cũng không nằm trong danh sách thôn đặc biệt khó khăn, nên không được thụ hưởng Chương trình. Đã là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thì phải được hưởng chính sách như nhau, nhưng vì nằm ngoài Chương trình nên bà con cũng thiệt thòi. 

Một số dự án thành phần của Chương trình đang rất khó thực hiện. Trong Báo cáo của Tổ công tác, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng nêu rõ lý do, đó là văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành không rõ, không cụ thể, quy định không sát với thực tế. Ví dụ, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất xuất cho người dân nhưng lại thuộc dự án đầu tư công, mà đã là dự án đầu tư công thì phải lập dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong khi đây là hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng, nếu áp dụng quy định của đầu tư công thì không thể triển khai được.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung:
Sự phối hợp giữa các bộ, ngành đã chặt chẽ chưa?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật TRần Thị Kim Nhung - Ảnh Hoàng Ngọc

Báo cáo của Ủy ban Dân tộc về tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình kết cấu các nội dung chung, như ban hành chính sách như thế nào, nguồn vốn, kết quả giải ngân, khó khăn, hạn chế, nhưng lại chưa bám sát, phân tích kỹ để thể hiện những yêu mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu của từng dự án theo Quyết định 1719/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giai đoạn 1 (2021 - 2025). Đề nghị phải có sự liên kết trong quá trình thực hiện các dự án, tiểu dự án, xác định rõ nội dung nào thực hiện được, nội dung nào chưa thực hiện, lý do, nguyên nhân. Từ đó, đặt vấn đề mục tiêu của dự án đã phù hợp hay chưa, có cần điều chỉnh không, vì thời gian còn lại để thực hiện giai đoạn 1 của Chương trình chỉ còn 2 năm rưỡi.

Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn thiếu thống nhất đặt ra vấn đề, quá trình ban hành chính sách của các bộ, ngành và Ủy ban Dân tộc có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ hay không? Hay mỗi bộ làm theo trách nhiệm riêng của mình, do thời gian gấp gáp quá mà chưa lắng nghe, chưa rà soát, chưa phân tích kỹ để đi đến quy định chung, tạo thống nhất trong triển khai thực hiện? Chính phủ cần đánh giá lại sự phối hợp giữa các bộ, ngành, nhất trong xây dựng, ban hành Nghị định 27/2022/NĐ - CP ngày 19.4.2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chắc chắn quá trình xây dựng Nghị định 27/2022/NĐ-CP, các bộ, ngành đều phải tham gia, đóng góp ý kiến. Sự tham gia này đã kỹ lưỡng hay chưa? Đã được quan tâm đúng mức hay chưa? Vì sao sau khi ban hành Nghị định 27/2022/NĐ-CP lại gây ra nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện?

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp Cao Mạnh Linh:
Có cần sửa định mức chi cho khoán bảo vệ rừng phù hợp với Nghị định 75/2015/NĐ - CP hay không?

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp Cao Mạnh Linh - Ảnh Hoàng Ngọc

Đối với tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3, phát triển kinh tế nông lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, Ủy ban Dân tộc có nêu thực tế kinh phí khoán bảo vệ rừng tại Nghị định số 75/2015/NĐ - CP của Chính phủ cao hơn định mức hỗ trợ từ Chương trình, vì thế người dân ưu tiên lựa chọn thực hiện theo Nghị định 75/2015/NĐ - CP. Điều đó dẫn đến thực tế có khả năng không giải ngân hết nguồn vốn của tiểu dự án 1. Đề nghị Ủy ban Dân tộc cho biết giải pháp xử lý vấn đề này. Có cần điều chỉnh, chuyển vốn sang các tiểu dự án, dự án khác hay không? Hay Ủy ban Dân tộc có kiến nghị sửa lại định mức trong Chương trình phù hợp, thống nhất với Nghị định 75/2015/NĐ - CP không?

Với tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc có nêu khó khăn là việc phân công đầu mối chủ trì tiểu dự án 1 thuộc dự án 5 còn chưa rõ, do vậy chưa có hướng dẫn triển khai cụ thể tại các địa phương này. Đề nghị Ủy ban Dân tộc làm rõ có bao nhiêu địa phương chưa có đầu mối chủ trì tiểu dự án 1? Nguyên nhân do đâu, có cần chờ hướng dẫn của Trung ương không hay thuộc trách nhiệm địa phương?

Anh Thảo ghi