Thiệt hại của doanh nghiệp du lịch ước 27.300 tỷ đồng
Báo cáo với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, giai đoạn 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, du lịch Đà Nẵng chịu những thiệt hại nặng nề. Đến năm 2021, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt gần 1,17 triệu lượt khách, giảm 55,8% so với 2020, trong đó khách quốc tế chỉ 110 nghìn lượt, giảm 84,2% so với cùng kỳ; khách nội địa gần 1,06 triệu lượt, giảm 45,5% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành đạt 2.554 tỷ đồng, giảm 36,6% so với năm 2020.
Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào hoạt động du lịch ước 3,2 tỷ USD, được đầu tư vào các khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, xe vận chuyển, taxi, tàu thuyền du lịch… nhưng thời gian qua phải ngừng khai thác vì dịch bệnh. Đến hết năm 2021, khoảng 80% doanh nghiệp du lịch vẫn tạm dừng hoạt động.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, “thiệt hại của doanh nghiệp du lịch do sụt giảm doanh thu, trả lãi vay, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, chi phí thuê sân bãi, thuê đất, vận hành duy trì hoạt động tối thiểu, trả lương cơ bản cho đội ngũ quản lý, nhân viên… ước 27.300 tỷ đồng”.
Cùng với đó, khoảng 80% tương đương khoảng 42.000 lao động trực tiếp ngành du lịch và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp liên quan du lịch đã, đang thất nghiệp và chuyển sang làm ngành nghề khác. “Việc tuyển dụng ngoài bổ sung nhân sự còn là cơ hội củng cố chất lượng nhân sự, thu hút người có trình độ chuyên môn cao. Việc đào tạo lại cũng là cấp thiết do các kỹ năng phục vụ và quy trình phục vụ có thể bị mai một sau 2 năm không làm việc, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ”, đại diện Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng cho biết.
Triển khai nhiều chính sách thí điểm, đặc thù
Theo nghiên cứu khảo sát của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đối với 15 điểm đến cấp tỉnh năm 2021, Đà Nẵng vẫn đứng nhất về chỉ số cạnh tranh du lịch Việt Nam, khẳng định lợi thế cạnh tranh và thương hiệu của du lịch Đà Nẵng.
Để hỗ trợ thu hút khách, sớm phục hồi và phát triển du lịch, Đà Nẵng đã thông qua và triển khai một số chính sách thí điểm đặc thù như: Quy định miễn thu phí tham quan 4 khu điểm du lịch (khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bào tàng Mỹ thuật) trong năm 2021, 2022; thu hút khách MICE đến Đà Nẵng với 7 nhóm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và cơ chế thí điểm khai thác dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang (tháng 12.2021)…
“Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn rất nỗ lực để phục hồi hoạt động du lịch vì xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Ngay khi Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, không để bị động” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn khẳng định.
Nhờ đó, đến quý I.2022, đã có khoảng 800 doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại (đạt tỷ lệ gần 50%), trong đó có 400 cơ sở lưu trú du lịch với 17.000 phòng (chiếm 38% tổng số phòng), 190 doanh nghiệp lữ hành, 15 khu, điểm du lịch mở cửa hoạt động, 170 đơn vị vận chuyển với 2.100 xe phục vụ du lịch, 18 tàu du lịch.
Sau khi Chính phủ có chủ trương mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong nước từ 15.3, chỉ trong chưa đầy một tháng, Đà Nẵng đã tổ chức rất nhiều hoạt động, sự kiện và công bố các sản phẩm mới thu hút du khách, như Cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội khinh khí cầu; tổ chức đón 2 đường bay quốc tế đầu tiên từ Singapore và Thái Lan; ra mắt sàn giao dịch du lịch trực tuyến và tổ chức Hội chợ Du lịch trực tuyến châu Á (Routes Asia 2022); tổ chức chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng với chủ đề “Tận hưởng Đà Nẵng” từ nay đến 31.5; khai trương tuyến đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn…
Kết quả, lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 3 đạt 109,8 nghìn lượt, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021; lượng khách do các đơn vị lữ hành phục vụ đạt 3.800 lượt. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 3 đạt 1.084,4 tỷ đồng.
Nghiêm cấm tùy tiện tăng giá, ép khách
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh thông tin, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ cung cấp thông tin thị trường, xu hướng khách, kế hoạch khai thác các đường bay của các hãng hàng không, kế hoạch xúc tiến du lịch, sự kiện, lễ hội của thành phố... để các doanh nghiệp định hướng kinh doanh; hỗ trợ kết nối, khai thác nguồn khách. Tổ chức miễn phí các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, thay đổi tư duy kinh doanh, chuyển đổi phương thức hoạt động, cung cấp dịch vụ du lịch cho doanh nghiệp. Hỗ trợ truyền thông quảng bá giới thiệu dịch vụ du lịch, tour tuyến, sản phẩm du lịch mới. Hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp du lịch.
Triển khai các hoạt động xúc tiến thị trường, khôi phục đường bay quốc tế, khai thác đường bay mới. Dự kiến từ nay đến tháng 10, sẽ có 7 hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật, Malaysia... và 1 đường bay mới từ Ấn Độ đến Đà Nẵng với tổng tần suất 90 chuyến/tuần (riêng Hàn Quốc dự kiến có 49 chuyến/tuần); sớm khôi phục đường bay Đà Nẵng - Vân Đồn (Quảng Ninh) để tăng cường khai thác thị trường tiềm năng Đông Bắc Bộ…
Đặc biệt, Đà Nẵng yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; nghiêm cấm tùy tiện tăng giá, ép khách, giữ phòng, gây sốt giá, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ngành du lịch thành phố. Doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng dịch vụ có chính sách linh hoạt về hoãn/hủy dịch vụ khi có các sự cố y tế, tình huống bất khả kháng... để hỗ trợ khách và hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị, công khai thông tin cho du khách.
Làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị thành phố quan tâm đầu tư xây dựng các sản phẩm mới, khác biệt; đồng thời làm mới các sản phẩm sẵn có bằng nhiều hình thức, ý tưởng sáng tạo, phù hợp với xu hướng, thị hiếu khách du lịch trong bối cảnh hậu Covid-19, để có thể cạnh tranh với các địa phương khác; bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ.