NGUYỄN THỊ THANH - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
Hoàn thiện các đề án, dự thảo nghị quyết quan trọng
Năm 2022, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trực tiếp từ lãnh đạo Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các đề án, dự thảo nghị quyết theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH.
Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với HĐND” đã được Đảng đoàn Quốc hội thông qua và UBTVQH ban hành Kế hoạch thực hiện. Từ đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBTVQH; tăng cường gắn kết, phối hợp hoạt động chặt chẽ, thực chất, hiệu quả giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH với HĐND, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND.
Các nghị quyết của UBTVQH có phạm vi tác động và đối tượng điều chỉnh liên quan đến công tác tổ chức, biên chế, nhân sự hoặc có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ĐBQH đã được Ban chủ trì tham mưu soạn thảo hoặc tham gia với các cơ quan soạn thảo để trình UBTVQH xem xét, thông qua theo đúng tiến độ, kế hoạch và yêu cầu. Nghị quyết số 15/2022/UBTVQH15 ngày 16.02.2022 của UBTVQH Quy định về việc sử dụng chuyên gia tham vấn Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH được ban hành và thực thi đãgóp phần thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm lý luận, thực tiễn để tham vấn trong hoạt động xây dựng pháp luật; giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
“Phản ánh hơi thở đời sống xã hội” trong tham mưu xây dựng pháp luật
Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được UBTVQH ban hành trên cơ sở đề xuất, chủ trì soạn thảo của Ban Công tác đại biểu và phối hợp với các cơ quan liên quan. Nhiều lần lấy ý kiến của Thường trực HĐND 63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, từng kiến nghị được Ban nghiên cứu, phân tích với mong muốn tham mưu UBTVQH ban hành một văn bản pháp luật “phản ánh hơi thở đời sống xã hội” như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đề ra trong công tác xây dựng pháp luật.
Nghị quyết số 594 được ban hành đã hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn một số quy định theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Qua đó, đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng, khá đầy đủ để bảo đảm hoạt động giám sát của HĐND được thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, công khai, minh bạch, khách quan, hiệu quả hoạt động giám sát của từng địa phương. Ban Công tác đại biểu đã phối hợp với Thường trực HĐND một số địa phương tổ chức Hội nghị quán triệt thực hiện Nghị quyết nhằm tăng tính thống nhất, đồng bộ trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND. Trong đó, Nghị quyết số 594 đã được bình chọn nằm trong 10 sự kiện và hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022.
Việc tham gia xây dựng đề án và các nghị quyết là những nhiệm vụ khó, chưa có tiền lệ nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của Ban Công tác đại biểu, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các cơ quan liên quan, các quy trình thực hiện các Đề án được Ban Công tác đại biểu tiến hành thận trọng. Quá trình triển khai đã bám sát chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH, Ban đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu tác động trực tiếp từ mỗi đề án, nghị quyết. Từng giải pháp, nhiệm vụ đề ra đều được Ban nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất trên cơ sở quy định pháp luật và kết quả từ thực tiễn.
“Chất lượng nhân sự” là tiêu chí hàng đầu
Năm 2022 cũng là thời điểm nhiều chủ trương của Đảng liên quan đến công tác cán bộ được thực hiện và sửa đổi để phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Khóa XIII và tình hình thực tiễn. Từ công tác quy hoạch, phân cấp quản lý cán bộ, xử lý kỷ luật đến xác định biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026... đã đặt ra yêu cầu đối với Ban Công tác đại biểu trong việc tham mưu Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH cụ thể hóa các chủ trương của Đảng để áp dụng phù hợp, hiệu quả với tính chất đặc thù về cơ cấu, tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Bám sát chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, công tác quy hoạch được Ban Công tác đại biểu chủ động tham mưu từ sớm, nghiên cứu các văn bản của Đảng, Ban Tổ chức Trung ương để cụ thể hóa, chi tiết hóa và tổng hợp thành hệ thống văn bản gửi tới các cơ quan của Quốc hội nhằm tạo sự thuận lợi và thống nhất khi tiến hành các bước trong công tác quy hoạch. “Chất lượng nhân sự” là tiêu chí hàng đầu luôn được Ban Công tác đại biểu chú ý trong từng bước tham mưu. Làm tốt công tác quy hoạch các chức danh ĐBQH chuyên trách và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH là một nhiệm vụ cụ thể làm tiền đề thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng ĐBQH, đề cao vai trò trung tâm của ĐBQH như Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra.
Công tác cán bộ cấp cao của Nhà nước luôn là nội dung được nhân dân và cử tri quan tâm theo dõi. Điều đó vừa là áp lực, vừa là động lực để Ban Công tác đại biểu quyết tâm, trách nhiệm trong tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH thực hiện nhiệm vụ. Trong năm 2022, Ban đã tham mưu, phục vụ UBTVQH thực hiện quy trình, thủ tục chặt chẽ để trình Quốc hội quyết định công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ Ba và Kỳ họp thứ Tư, trong đó có các hình thức để xử lý kỷ luật cán bộ do Quốc hội phê chuẩn. Công tác nhân sự đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và cử tri vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Làm tốt vai trò cơ quan thực hiện nhiệm vụ kết nối
Được sự quan tâm của Lãnh đạo Quốc hội, trực tiếp là chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, 2022 là năm đầu tiên UBTVQH tổ chức triển khai Hội nghị tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngay từ năm đầu nhiệm kỳ. Đây là đổi mới đột phá thể hiện tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” để đánh giá những thuận lợi, ưu điểm, kết quả nổi bật, những kinh nghiệm quý trong các lĩnh vực hoạt động của HĐND, đồng thời chỉ ra những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của HĐND. Qua đó, tăng tính chủ động trong việc xây dựng nghị quyết hàng năm và cho cả nhiệm kỳ, chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp các tỉnh, thành phố và bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND.
Năm 2022, Hội nghị Thường trực HĐND 6 khu vực được tổ chức trở lại sau gần 2 năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Các hội nghị đều được lãnh đạo Quốc hội tham dự và chỉ đạo. Điều đó thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH đối với hoạt động của HĐND và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu. Các kiến nghị tại Hội nghị đã được Ban tổng hợp để báo cáo UBTVQH và gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Công tác tham mưu, phục vụ UBTVQH thực hiện chức năng, giám sát hoạt động của HĐND được Ban Công tác đại biểu đổi mới theo hướng chủ động thay vì chờ tiếp nhận báo cáo, kiến nghị từ HĐND, Ban Công tác đại biểu đã hướng dẫn địa phương báo cáo theo đề cương, đề nghị cung cấp số liệu liên quan đến nhân sự. Thông qua sự tương tác hai chiều giữa UBTVQH và HĐND đã khẳng định vai trò của Ban Công tác đại biểu trong việc tăng cường mối liên hệ, sự gắn kết giữa UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH với HĐND các cấp.
Chủ động, khoa học trong công tác bồi dưỡng
Trên cơ sở Kế hoạch bồi dưỡng và khung chương trình bồi dưỡng ĐBQH và đại biểu HĐND được UBTVQH ban hành từ đầu nhiệm kỳ, hoạt động bồi dưỡng được tiến hành chủ động, khoa học hơn… Công tác chuẩn bị nội dung chương trình, bố trí giảng viên có kinh nghiệm, chuyên môn sâu, kỹ năng truyền đạt và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bồi dưỡng đã góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch cả năm bảo đảm tiến độ thời gian và chất lượng.
Hướng tới sự “tín nhiệm” để tiếp tục phát huy
Căn cứ chương trình hoạt động của nhiệm kỳ, Ban Công tác đại biểu đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. Ngoài thực hiện các nhiệm vụ vềcông tác nhân sự theo yêu cầu, sự chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH, Ban sẽ nghiên cứu rà soát Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Nghị quyết số 85, tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV (cuối năm 2023), Ban sẽ chủ trì tham mưu, giúp UBTVQH trình Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội bầu và phê chuẩn, đồng thời tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND các cấp bầu để báo cáo UBTVQH.
Tiếp tục tham mưu UBTVQH hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND, trong đó tập trung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 594 để củng cố cơ sở thực tiễn khi xem xét, đánh giá hiệu quả quy định báo cáo UBTVQH. Tham mưu tổ chức Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND vào đầu năm 2023, triển khai các giải pháp được Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH thông qua tại các Đề án. Đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng các Hội nghị Thường trực HĐND khu vực theo chủ đề, chú trọng tăng cường thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế 6 vùng được Bộ Chính trị ban hành.
Cùng với tham mưu thực hiện chế độ, chính sách đối với ĐBQH chuyên trách, cán bộ thuộc diện UBTVQH quản lý, dự kiến đầu năm 2023, Ban Công tác đại biểu sẽ trình UBTVQH ban hành Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đối với ĐBQH; hoàn thiện Đề án “Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của ĐBQH” và Đề án ban hành Nghị quyết“Quy định một số nội dung về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của ĐBQH” để trình Đảng đoàn Quốc hội thông qua.
“Tín nhiệm” là mục tiêu và kết quả Ban Công tác đại biểu đã đặt ra và đạt được khi nhìn lại năm 2022. “Tín nhiệm” từ Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH khi đã tin tưởng giao Ban Công tác đại biểu thực hiện những nhiệm vụ quan trọng; “tín nhiệm” từ các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH luôn gửi gắm ở Ban Công tác đại biểu là nơi chăm lo, bảo đảm các chế độ, chính sách để đại biểu thực hiện tốt nhất nhiệm vụ người đại biểu của nhân dân. Mong muốn cao nhất Ban Công tác đại biểu luôn hướng tới là sự tín nhiệm từ nhân dân và cử tri. Trong kết quả của từng cơ quan của Quốc hội, của cá nhân ĐBQH, của HĐND các cấp sẽ luôn ghi dấu những đóng góp của Ban Công tác đại biểu, không chỉ là một cơ quan tham mưu mà còn là cơ quan góp phần nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử.