Thiếu chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp

- Thứ Tư, 28/12/2022, 07:13 - Chia sẻ

Tăng cường hợp tác, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, Hợp tác xã và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được xem là chìa khóa thành công trong quá trình đổi mới GDNN. Tuy vậy, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, Hợp tác xã hiện chưa rõ, đang ảnh hưởng trực tiếp tới công tác này.

Đào tạo nghề giúp tăng năng suất, chất lượng                            

Nông dân được xem là chủ thể, nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đối tượng nghèo, cận nghèo là việc cần làm thường xuyên để đáp ứng yêu cầu mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo thống kê, giai đoạn từ 2010 - 2020 đã có gần 20% người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề và có việc làm. Trong đó, trên 10% có việc làm, thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững. Hiểu được tầm quan trọng đó, chính quyền các địa phương đã có nhiều sự quan tâm cho công tác đào tạo nghề gắn với quy hoạch phát triển sản xuất.

Là một tỉnh miền núi, Sơn La đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề, nhất là về nông nghiệp. Các ngành nghề có tỷ lệ đăng ký đào tạo cao như kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, lợn, gà; sơ chế, bảo quản hoa quả sau thu hoạch… Giai đoạn 2012 - 2022, toàn tỉnh thực hiện đào tạo 59 ngành nghề cho trên 30.000 nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đối tượng hộ nghèo chiếm gần 20%; đối tượng hộ cận nghèo, người khuyết tật, chính sách chiếm 17%; đối tượng người dân tộc thiểu số chiếm trên 77%... Kết quả này góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo bền vững. Giai đoạn 2022 - 2025, Sơn La đặt kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho 41.500 lao động nông thôn.

Còn tại Bắc Kạn, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Chợ Đồn có 2.859 lao động nông thôn được đào tạo nghề (đạt 142,99%). Hiện, hơn 40 Hợp tác xã tại huyện Chợ Đồn đã chủ động triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, tích cực đẩy mạnh công tác sản xuất gắn với đào tạo nghề.

Chị Đặng Thị Hòa, thôn Khau Chủ, xã Đồng Thắng chia sẻ, sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp để nắm chắc được kỹ thuật chăn nuôi, chị đã biết cách chọn con giống tốt, phòng bệnh cho đàn lợn, chăm sóc... Từ đó, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cải thiện thu nhập cho gia đình . 

Cần cơ chế pháp lý cụ thể cho doanh nghiệp

Theo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng GDNN. Trong 8 nhóm giải pháp phát triển đào tạo nghề, GDNN giai đoạn tới, việc đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ được tập trung ưu tiên.

Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu đào tạo được 16.360 người, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp và tập trung hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, người thu nhập thấp tham gia học nghề nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 65%. Tỉnh xem việc hợp tác, gắn kết đào tạo nghề với Hợp tác xã, doanh nghiệp là động lực và chìa khóa thành công trong đổi mới GDNN.

Đơn cử, mô hình của hợp tác xã Nông sản sạch Kim Dung (Lạng Sơn) chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt. Nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch trên thị trường rất cao, do đó hợp tác xã rất quan tâm đến việc kết nối với cơ sở GDNN để tìm kiếm nhân công chất lượng, qua đó nâng cao hiệu quả và năng suất. Giám đốc Nguyễn Kim Dung cho biết, hàng năm hợp tác xã đã được các cơ quan chức năng của tỉnh tạo điều kiện tham gia 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt. Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng được trao đổi các kinh nghiệm, bài học để có thể hiểu và áp dụng, hiệu quả mang lại rất lớn.

Tuy nhiên, sự tham gia của các bên liên quan trong GDNN còn chưa thật sự hiệu quả; cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp tham gia chưa rõ ràng. Theo TS. Nguyễn Hoàng Hà, Cán bộ Chương trình Quốc gia, Văn phòng ILO tại Việt Nam, doanh nghiệp mới chỉ tham gia vào tiến trình đào tạo nhân lực khoảng 40% và mục tiêu đạt 80%. Do đó, bên cạnh chính sách để tăng cường khả năng tiếp cận với GDNN thì cũng cần có chính sách đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, Hợp tác xã.

Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên Đào Trọng Độ nêu quan điểm, muốn tạo việc làm tốt, thu nhập cao, ổn định cho người lao động ở các vùng phải có doanh nghiệp, Hợp tác xã. Các đơn vị sử dụng lao động không chỉ dừng ở khâu tuyển dụng mà phải tham gia vào tất cả các khâu của quá trình đào tạo, từ khâu đưa ra nhu cầu đến xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo. Thậm chí là phải tham gia vào quá trình đào tạo, thực hành và quá trình đánh giá. Sự gắn kết này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động nhân lực, mà các cơ sở GDNN cũng từng bước nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cũng như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành các chính sách khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo nghề nghiệp. Phải có cơ chế mang tính pháp lý cụ thể để vừa khuyến khích vừa quy định được trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia.

Với số lượng khoảng 15.000 doanh nghiệp nông nghiệp, gần 21.000 Hợp tác xã nông nghiệp, khoảng 19.000 trang trại thì đây là các đơn vị có nhu cầu sử dụng lớn lực lượng và yêu cầu lao động nông nghiệp phải có trình độ để tham gia sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc liên kết giữa các cơ sở GDNN đào tạo nghề nông nghiệp với các đơn vị sử dụng lao động là vô cùng quan trọng nhằm tạo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn, đặc biệt với các lao động là người nghèo, người cận nghèo, người thu nhập thấp.

Nhiều chuyên gia lao động nhấn mạnh, khi có cơ chế, các doanh nghiệp mới có thể tham gia đào tạo nghề cho lao động tại địa phương, tạo nên chuỗi giá trị bền vững. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ cụ thể trong quy định tài chính và các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp ba bên là Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở GDNN. Ngoài ra, cần tạo lập trung tâm dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực có sự phối hợp của các bên liên quan, qua đó bảo đảm GDNN đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Hạnh Nhung