Kinh nghiệm thoát nghèo

Phát triển kinh tế dựa trên giống bản địa

- Thứ Bảy, 10/12/2022, 15:48 - Chia sẻ

Ná Nả là phiên âm chữ "Nav nam" nghĩa là "mẹ ơi" trong tiếng Mông. "Ná Nả: Mùa gì mua nấy", được thành lập bởi Khang A Tủa và Mùa Thị Mua, hai thanh niên người Mông là một mô hình làm nông nghiệp bền vững cho cộng đồng tại Mù Cang Chải, Yên Bái, nhằm tăng thu nhập và thúc đẩy năng lực tự chủ kinh tế cho những bà mẹ người Mông. 

Tìm về tri thức bản địa

Cuối tháng 8.2019, Khang A Tủa và Mùa Thị Mua đã sáng lập dự án Ná Nả: mùa gì mua nấy, với mong muốn mang lại việc làm bền vững tăng thu nhập và thúc đẩy năng lực tự chủ kinh tế cho cộng đồng người Mông ở Mù Cang Chải quê hương, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa địa phương.

Đi ngược lại cách làm nông nghiệp hóa chất, với những sản phẩm sản xuất hàng loạt, Tủa và Mua lựa chọn làm việc với những bà mẹ người Mông trung niên để làm việc dựa trên giống bản địa. Nhờ biết tiếng Kinh và tiếng Anh, Tủa chủ động dịch các nghiên cứu, tài liệu học được để mang đến các bà, các mẹ trong dự án, qua đó giúp họ nâng cao kỹ thuật canh tác, nhưng trên tinh thần không quá quan trọng chuyện sản lượng mà tập trung vào chất lượng, phương pháp canh trồng.

Bà con trong dự án Ná Nả giờ đây đã trở về với tri thức canh tác truyền thống từ giống bản địa - Ảnh: NVCC
Bà con trong dự án Ná Nả giờ đây đã trở về với tri thức canh tác truyền thống từ giống bản địa
Ảnh: NVCC

Trên chính ruộng lúa của gia đình, Tủa và Mua trồng giống gạo nếp bản địa thay vì giống của Trung Quốc mà cha mẹ, bà con thường trồng, đồng thời sử dụng phân hữu cơ thay vì phân hóa học hay thuốc trừ sâu. Sau một thời gian bán nông sản địa phương, Tủa và Mua cho rằng cần có một vài sản phẩm trọng điểm của dự án. Với nguồn vốn có hạn, họ quyết định làm mô hình nuôi gà xương đen là giống gà lâu đời của người Mông, vốn mang nhiều ý nghĩa trong văn hóa truyền thống nhưng đang mai một.

Trở lại với giống gà bản địa là hành trình nhiều khó khăn, khi xu hướng thị trường chỉ nuôi hơn 3 tháng đã xuất chuồng, còn gà xương đen người Mông nuôi tới 6 tháng, trong khi giá bán cũng chỉ cao hơn một chút. Bởi thế, ý tưởng này không được mấy người dân ủng hộ, chưa kể trong quá trình nuôi, nhiều lứa gà chết, bị mèo rừng vồ, bị rắn cắn. Không để bà con nản lòng, Khang A Tủa đi tìm những người có kinh nghiệm về tập huấn cho bà con. "Với mọi người ở đây, tập huấn là một điều gì rất lớn lao và đáng sợ, nhưng mình cho bà con đi tham quan từng mô hình, để họ hiểu rằng mình trở về với giống bản địa nhưng không đóng khung. Chẳng hạn, cách làm rào cho khu gà riêng là điều rất hay". 

Dần dần mô hình nuôi gà đem lại thu nhập ổn định, bà con có niềm tin hơn với dự án Ná Nả. Những người bà, người mẹ Mông quay lại với cây trồng, vật nuôi truyền thống nhưng theo hình thức canh tác, chăn nuôi bền vững. 

Không chỉ là mua - bán

Như cách lấy mật ong rừng, người Mông ở Mù Cang Chải vào rừng sâu đặt chõ trong các hốc đá, gốc cây lớn rồi ong rừng tự nhiên vào đó làm tổ. Ong hoàn toàn tự chủ việc ăn uống, sản xuất mật từ phấn hoa rừng tự nhiên. Nông dân chỉ thu mật khi chắc chắn bảo đảm đủ lượng mật dư nuôi đàn ong, không bao giờ thu hoạch mật khi thời tiết không thuận lợi (quá mưa, quá lạnh) và lượng mật trong thùng mật, vì việc đó sẽ khiến đàn ong nổi giận, bỏ đi, thậm chí là chết đói. 

Khang A Tủa cho biết, bán loại mật ong được làm ra như vậy để bảo đảm cam kết của Ná Nả là mùa gì mua nấy, hay mùa gì bán nấy. Bởi lẽ, câu chuyện sâu xa không chỉ là mua - bán, đem lại lợi nhuận, mà làm sao để tri thức của cộng đồng được bảo tồn, được trả về đúng giá trị của nó. 

Trong dự án Ná Nả, Khang A Tủa là người khôi phục giống gà xương đen của người Mông - Ảnh:  NVCC
Trong dự án Ná Nả, Khang A Tủa là người khôi phục giống gà xương đen của người Mông
Ảnh: NVCC

"Thực ra, ý tưởng xây dựng Ná Nả đã manh nha lâu. Nhớ năm 2016, tuyết bao phủ Mù Cang Chải 7 ngày liền, hàng loạt vật nuôi như bò, lợn, trâu, rồi rau cỏ chết hết. Thực ra từ trước đó, nhiều điều vẫn đang âm ỉ đe dọa cuộc sống hàng ngày của bà con nơi đây. Nền nông nghiệp hóa chất ngày nay và cả sự an nhàn, tiện lợi mà người ta hướng đến, cuối cùng chẳng phải toàn kéo về rủi ro, nợ nần và mối nguy hại về sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng? Cũng đã một thời gian dài, các dự án phát triển người Mông phụ thuộc phần lớn vào nguồn tài trợ từ bên ngoài. Bây giờ, đã đến lúc người Mông tự tin vào đôi bàn tay, tri thức của mình để phát triển bền vững trên chính mảnh đất thân thuộc".

Khang A Tủa phân tích thêm phát triển kinh tế dựa vào giá trị bản địa, bao gồm giống, hình thức canh tác, là cách làm bền vững, bởi lẽ những giá trị ấy đã tồn tại rất lâu và được đúc kết theo thời gian, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, phong tục, tập quán dân tộc.

"Thực tế chứng minh những sản phẩm của Ná Nả luôn trong tình trạng cầu lớn hơn cung, tức luôn có khách hàng yêu cầu mua nhiều hơn khả năng mình có thể đáp ứng lập tức. Nhưng điều mà mình tự hào và tự tin tiếp tục bước đi trên con đường này, đó là làm kinh tế bền vững, đặt giá trị kinh tế song song với các giá trị văn hóa dân tộc. Nếu mình không làm dựa trên những giống bản địa, 20 năm nữa, con cháu chúng mình liệu có còn biết mình từng thuộc về một cộng đồng có nền nông nghiệp lâu đời như thế. Lựa chọn như vậy chính là chấp nhận đi chậm và cũng là chấp nhận những niềm vui bé nhỏ", Khang A Tủa nói. 

Thái Minh