Hiệu quả từ phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"

- Thứ Sáu, 20/10/2023, 07:26 - Chia sẻ

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động năm 1989, đây là phong trào mang tính đặc thù về giới nhằm phát huy được vai trò, tiềm năng to lớn của nữ CNVCLĐ trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng gia đình no ấm - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc, góp phần phát triển kinh tế xã hội và mục tiêu bình đẳng giới.

Giỏi việc nước

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng người cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) “Trung thành - Trách nhiệm - Liêm chính - Sáng tạo”; xây dựng cơ quan văn hóa “Ngày làm việc 8 giờ có chất lượng hiệu quả” và phong trào “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”... Từ đó, nữ CBCCVC xác định rõ ý thức trách nhiệm của mình trong công việc, tận tụy, gương mẫu, có nhiều đề tài khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đạt năng suất, chất lượng hiệu quả cao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao bằng khen của Trung ương Hội cho đại diện Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga trao bằng khen của Trung ương Hội cho đại diện Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam

Hàng năm, có trên 95% nữ CNVCLĐ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và có trên 92% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu; nhiều nữ CNVCLĐ được Đảng, Nhà nước, các cấp công đoàn biểu dương, khen thưởng. Đơn cử như tại Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào (Yên Bái). Năm 2022, hưởng ứng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà", Công đoàn công ty có 11 Tổ nữ công, 6 nhân viên gác chắn đường ngang 20/10 đạt xuất sắc; 57 người đạt lao động tiên tiến, 167 lao động nữ đạt nữ công 2 giỏi và 28 người có thành tích xuất sắc trong các đợt thi đua được khen thưởng. 

Có thể thấy, để phù hợp với yêu cầu của phong trào thi đua ở từng lĩnh vực, ngành nghề, mỗi đơn vị lại xây dựng cho mình những tên gọi phong trào phù hợp. Có thể kể đến Phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” của nữ CNVCLĐ ngành Ngân hàng; Công đoàn Ngành Giáo dục với phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”; Công đoàn Ngành Y tế có các phong trào “Thực hiện 12 điều y đức, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nữ CNVCLĐ Ngành Than - Khoáng sản với phong trào “Mẹ lao động giỏi, con học giỏi”…

Thông qua phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nữ CNVCLĐ đã có nhiều nỗ lực phấn đấu tham gia công tác lãnh đạo. Ngày càng có nhiều cán bộ nữ giữ trọng trách trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Nhờ đó, nữ cán bộ, công chức có cơ hội thực hiện quyền bình đẳng giới của mình thông qua việc tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật đáp ứng nhu cầu và lợi ích giới...

Đảm việc nhà

Cùng với nỗ lực phấn đấu "Giỏi việc nước", chị em CNVCLĐ cũng tích cực duy trì, phấn đấu thực hiện tốt “Đảm việc nhà”. “Đảm việc nhà” cũng ngày càng được nhìn nhận ở góc độ bình đẳng giới. Nhiều CNVCLĐ nữ đã thực sự tạo được sự công bằng và bình đẳng ngay trong chính những công việc giản đơn thường nhật của gia đình như: phân công lao động hợp lý, tạo thói quen cho chồng, con biết chia sẻ công việc cùng và có trách nhiệm trong việc chăm lo xây dựng, gìn giữ, bảo vệ hạnh phúc gia đình. 

Nhiều gia đình nữ CNVCLĐ giữ được nét đẹp truyền thống có nhiều thế hệ cùng chung sống hạnh phúc, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Không ít nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn song với nghị lực và niềm tin đã bằng trí óc, sức lao động nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và là điểm tựa vững chắc để nuôi dạy chăm sóc con cái chăm ngoan, học giỏi thành đạt.  

Các nữ cán bộ CNVCLĐ với trách nhiệm của người công dân luôn giáo dục con em, tuyên truyền người thân trong gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành tốt quy định, quy ước của làng xóm, khu phố. Tham gia các hoạt động ở khu dân cư, Cuộc vận động “ 5 không, 3 sạch” gắn với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; luôn giữ mối đoàn kết với cộng đồng, sống có nghĩa có tình, thể hiện phẩm chất đạo đức tư cách của người cán bộ công chức. Hầu hết gia đình các nữ CNVCLĐ đều được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa" ở khu dân cư, nhiều gia đình được khen thưởng "Gia đình văn hóa tiêu biểu", "Gia đình hiếu học".

Có thể nói phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ CNVCLĐ đã góp phần thiết thực vào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của người phụ nữ, đặc biệt là lao động nữ trong xã hội đang không ngừng đi lên ngày nay.

Liên Hoa
#