Nâng cao hơn nữa tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo công đoàn các cấp

- Thứ Sáu, 20/10/2023, 07:22 - Chia sẻ

Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, phụ nữ luôn luôn giữ vị trí quan trọng với những cống hiến, đóng góp to lớn. Tiếp nối truyền thống phụ nữ Việt Nam, các nữ CNVCLĐ đang ra sức phát huy phẩm chất, năng lực, tích cực đóng góp vào sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thông qua các hoạt động, chính sách hỗ trợ, các phong trào thi đua từ tổ chức công đoàn đã tạo động lực không nhỏ cho nữ CNVCLĐ tự tin hơn, dám làm, dám thể hiện mình và lên tiếng đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của bản thân. Từ thực tế ấy, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ đoàn viên, người lao động, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. 

Nâng cao hơn nữa tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo công đoàn các cấp -0
Thời gian qua, công đoàn các cấp có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho nữ đoàn viên, CNVCLĐ. Ảnh: Hoàng Triều

Thời gian tới, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục nữ CNVCLĐ thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động nữ, trọng tâm là Bộ luật Lao động năm 2019; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14.12.2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, trong đó tập trung vào các nội dung bảo đảm bình đẳng giới và những quy định riêng đối với lao động nữ.

Chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở; quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ chủ chốt công đoàn tham dự các cuộc tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác nữ công, nhằm nâng cao chất lượng tham mưu của Ban nữ công quần chúng cho Ban Chấp hành công đoàn cơ sở về công tác nữ công, nhất là đối với cán bộ nữ công mới tham gia lần đầu sau Đại hội công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Cùng với đó, không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tổ chức các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ, đặc biệt là phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” phù hợp với tình hình thực tiễn của từng loại hình doanh nghiệp nhằm phát hiện, nhân rộng những cá nhân, tập thể tiêu biểu, điển hình để lan tỏa trong toàn hệ thống công đoàn.

Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng để kịp thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ; tích cực tham mưu với Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp trong việc tham gia sắp xếp lao động hợp lý, phù hợp với trình độ chuyên môn, tay nghề, sức khỏe và hoàn cảnh gia đình nữ CNVCLĐ; phối hợp với chính quyền bảo đảm chế độ chính sách cho nữ CNVCLĐ về tiền lương, tiền thưởng, chế độ thai sản, khám sức khỏe định kỳ và các chế độ khác.

Nghiên cứu đề xuất chính sách, tham gia thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ; giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ; huy động các nguồn lực để chăm lo đời sống, việc làm cho lao động nữ ngày càng tốt hơn, nhằm xây dựng gia đình CNVCLĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Giải quyết những vấn đề bức xúc trong nữ CNVCLĐ, chú trọng tuyên truyền, giám sát việc thực hiện Chương X, Bộ luật Lao động năm 2019; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14.12.2020 hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, trong đó tập trung nội dung bảo đảm bình đẳng giới và những quy định riêng đối với lao động nữ, phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Quan tâm đến các hoạt động chăm lo cho con CNVCLĐ, đặc biệt là vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo và đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát việc thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non, nhất là chính sách đối với con công nhân lao động và giáo viên mầm non ở khu công nghiệp. Cải tiến, nhân rộng mô hình “Trại hè cho con công nhân lao động”, “Sức khỏe của bạn”, “Lễ cưới tập thể”; xây dựng mô hình điểm “Chăm lo, bảo vệ quyền của lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc”.

Đặc biệt, để nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội, cần xây dựng đội ngũ nữ cán bộ công đoàn, chú trọng quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm đối với cán bộ nữ; cơ cấu giới thiệu cán bộ phụ trách Công tác nữ công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ công đoàn các cấp, chuẩn bị nguồn cán bộ nữ cho nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đặc biệt, là nữ cán bộ chủ chốt công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương và các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo công đoàn các cấp, góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

N.Châm
#