Tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số

Giáo dục dẫn lối tới ước mơ

- Thứ Bảy, 26/11/2022, 15:41 - Chia sẻ

Nỗ lực theo đuổi con đường giáo dục và quyết tâm khẳng định mình, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số không những thay đổi cuộc sống của bản thân, mà còn truyền cảm hứng, giúp đỡ, tạo thay đổi trong cộng đồng.

“Giáo dục đã cho tôi nhiều cơ hội"

“Rất nhiều người bạn của tôi đã kết hôn khi mới học cấp 2. Thời điểm đó, kết hôn không do tình yêu nam nữ mà do cha mẹ nói đã đến tuổi. Nay tôi trở về nhà, bạn tôi đã có 3 - 4 con. Hiện tại tình trạng tảo hôn đỡ hơn một chút, cha mẹ không nói con kết hôn sớm, nhưng đây lại là lựa chọn của các em. Ở vùng dân tộc thiểu số, mọi người không lựa chọn đến trường, bởi rào cản ngôn ngữ, rồi trường xa, nghĩ mình không đủ kinh tế… Các em kết hôn sớm, rồi đi làm công nhân, để lại các con cho ông bà nuôi. Tôi thấy điều này gây ra hệ lụy kéo dài, bởi những đứa trẻ đó ít được chăm sóc, giáo dục, rồi lại tiếp tục lớn lên, và kết hôn sớm” - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê xúc động khi chia sẻ về nạn tảo hôn của người Ê Đê tại tọa đàm “Tiếng nói của phụ nữ”, diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tối 25.11.

Giáo dục dẫn lối tới ước mơ -1
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê chia sẻ tại tọa đàm

Điều đáng quan tâm là đây không phải tình trạng riêng của một vùng, một dân tộc. Có cơ hội đến vùng Tây Bắc, miền Trung, miền Tây, H'Hen Niê nhận thấy mọi người nghĩ rằng kiếm tiền hàng ngày giúp ích cho gia đình nhanh hơn là vất vả đi học… 

“Giáo dục cho tôi nhiều cơ hội, và tôi cảm thấy rất tiếc vì nhiều bạn trẻ đã để tuột mất cơ hội đó, nhiều phụ nữ dân tộc, phụ nữ ở các miền quê đã phải kiếm tiền thay vì học... Tôi hy vọng thời gian tới có thể làm việc với Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiều hơn để tới nhiều địa phương chia sẻ, truyền cảm hứng. Tôi vẫn tin chỉ giáo dục mới có thể thay đổi cuộc sống của mọi người. Đi đâu tôi cũng nói với các em nhỏ rằng các em hãy ước mơ và giáo dục sẽ dẫn lối các em đi tới ước mơ đó” - H'Hen Niê nói.
Giáo dục dẫn lối tới ước mơ -1
Chị Sùng Y Múa (thứ hai, phải sang) mong muốn các bạn trẻ hãy đến trường và nói không với tảo hôn

Trong khi đó, chị Sùng Y Múa (người dân tộc Mông, tỉnh Hòa Bình, chủ homestay Y Múa, nhân vật được đề cử giải KOVA 2022 hạng mục Sống đẹp) cho biết, chị là một trong 13 cô gái Mông đầu tiên được đến trường. “Đi học vì sợ cái nghèo, sợ không biết chữ, lúc ấy tôi nghĩ phải cố gắng học thật tốt. Tôi tự hỏi tại sao người Mông cứ phải lên nương lên rẫy, mình phải học những dân tộc ngay bên cạnh mình như dân tộc Mường, dân tộc Thái... Ngày tôi đi học rất vất vả, 5 - 6 tháng mới được về nhà một lần, nhưng tôi không bỏ trường, bỏ lớp”. 

“Các bạn hãy đến trường và nói không với tảo hôn” là thông điệp chị Sùng Y Múa muốn gửi tới những trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Trở về quê hương, tạo sinh kế cho cộng đồng

“Chỉ có con đường giáo dục mới thay đổi tư duy và cuộc sống của mọi người, của cả một cộng đồng” cũng là suy nghĩ của chị Thạch Thị Chal Thi (sinh năm 1989, người dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh) hiện là Giám đốc công ty TNHH Trà Vinh FARM (Sokfarm). 

Giáo dục dẫn lối tới ước mơ -0
Chị Thạch Thị Chal Thi chia sẻ câu chuyện đi học và trở về quê hương

“Là người dân tộc Khmer, lúc tôi 18 tuổi, cả làng không ai đi học đại học, vì định kiến là con gái lớn lên lấy chồng, sinh con, học để làm gì? Tôi có ước mơ lên TP Hồ Chí Minh học tập, và thuyết phục cha mẹ, vừa đi học vừa làm thêm để có tiền trang trải việc học đại học, rồi tiếp tục học thạc sĩ về Công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Nhờ vào sự học đó, tôi mới có cơ hội trở về phát triển nghề thu mật hoa dừa, giúp cha mẹ, giúp những người nông dân trồng dừa. Trà Vinh là tỉnh trồng dừa lớn thứ 2 của Việt Nam và năm 2018, dừa bỏ mọc mầm, không ai thu mua. Tôi suy nghĩ giờ chính là lúc quay về quê hương và giúp đỡ mọi người”. Tới nay, chị Thạch Thị Chal Thi đã giúp thay đổi cuộc sống của hơn 70 hộ gia đình nhờ việc thu mật hoa dừa và đưa sản phẩm này đi khắp thế giới.

Trong khi đó, họa sĩ Chế Kim Trung (Thạc sĩ nghệ thuật đầu tiên và duy nhất của người Chăm hiện nay) có thuận lợi sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, nhưng quá trình học tập cũng đòi hỏi không ít nỗ lực, quyết tâm. Sau khi tốt nghiệp cử nhân sư phạm, đóng góp vào lĩnh vực giáo dục, chị nghĩ mình phải phát triển, vươn lên hơn nữa. Cùng với đam mê nghệ thuật hội họa, chị tiếp tục theo học Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, rồi học thạc sĩ nghệ thuật tại Thái Lan. Vừa sáng tác, giảng dạy, chị còn giúp bà con làng gốm, làng dệt ở quê hương cải thiện sản phẩm, nâng cao sinh kế và ổn định đời sống. Chị mong muốn phụ nữ dân tộc thiểu số vượt qua định kiến, rào cản, khó khăn thử thách để tự tin khẳng định mình, hội nhập và phát triển…

Giáo dục dẫn lối tới ước mơ -0
Họa sĩ Chế Kim Trung là Thạc sĩ nghệ thuật đầu tiên và duy nhất của người Chăm hiện nay

Với những nỗ lực trong hành trình chinh phục ước mơ và khát vọng, họ đã trở thành những gương phụ nữ dân tộc thiểu số điển hình, đại diện cho các chị em dân tộc thiểu số Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực vượt qua định kiến giới, và khẳng định giá trị bằng tài năng, tri thức, lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng, góp phần dựng xây quê hương, hướng đến sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi.

Thảo Nguyên
#