Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, tình hình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp của các đơn vị trên địa bàn tỉnh này thực hiện tương đối bảo đảm; quyền lợi của người lao động và đối tượng thụ hưởng được giải quyết nhanh chóng, góp phần ổn định chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
"Tuy nhiên, so với thời điểm tháng 12.2023, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng cao trở lại" - ông Văn Phú Quân, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Quảng Nam cho biết.
Tính đến hết tháng 2.2024, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trên toàn tỉnh Quảng Nam hơn 341 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng của khối doanh nghiệp hơn 252 tỷ đồng; số tiền chậm đóng của các đơn vị hành chính - sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, cán bộ xã, phường, thị trấn… hơn 27 tỷ đồng.
Trong tổng số tiền chậm đóng các loại bảo hiểm trên toàn tỉnh Quảng Nam, có 993 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, với số tiền chậm đóng hơn 137 tỷ đồng; trong đó, có những đơn vị khó thu (các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động…) với số tiền chậm đóng hơn 38 tỷ đồng. Riêng đối với những đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động có số tiền chậm đóng từ 100 triệu đồng hoặc số tháng chậm đóng từ 12 tháng trở lên là hơn 161 tỷ đồng.