Phát triển chuỗi cung ứng bền vững cho ngành Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam

- Thứ Sáu, 17/11/2023, 09:10 - Chia sẻ

Theo Bộ Công Thương, sự tiến bộ của công nghiệp chế biến chế tạo giúp Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới. Dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt qua Philippines và Singapore vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP hơn 571 tỷ USD.

Trong vòng hai thập kỷ, Việt Nam đã thực sự trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới. Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 28.7.2023 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) với nhiều chính sách mới được kỳ vọng sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới…

Bên cạnh đó, các yếu tố về dịch bệnh, xung đột chính trị giữa các quốc gia những năm qua đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng, vì vậy xu hướng tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng ngày càng được đẩy nhanh. Xu thế này có thể mang lại dòng vốn dịch chuyển đầu tư quốc tế lớn vào công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp nội địa khi các quy định về phát triển bền vững và trách nhiệm tra soát đang ngày càng gia tăng và trở thành xu hướng tất yếu trong chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn tới.

Phát triển chuỗi cung ứng bền vững cho ngành Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam -0
Các đại biểu tham dự toạ đàm bên lề Triển lãm VIMEXPO 2023. Ảnh: VA

Bên cạnh những yêu cầu về chất lượng, chi phí và giao hàng, các doanh nghiệp cung ứng hiện nay cũng cần định hướng tầm nhìn phát triển bền vững và chiến lược kinh doanh có trách nhiệm, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các thị trường tiềm năng, tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững.

Phát biểu tại Toạ đàm “Chuỗi cung ứng bền vững: Cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp”, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Tuấn Anh cho biết, trong quá trình phát triển, Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn có những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp khác. Bộ Công thương đã đề xuất những chính sách hỗ trợ hình thành các tập đoàn lớn sản xuất lớn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách này không dàn trải mà tập trung vào những ngành và lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên. Đây sẽ là một trong những chuyển biến quan trọng trong xây dựng chính sách xây dựng một nền công nghiệp tự chủ. Qua đó, giúp Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới, một điểm đầu tư hấp dẫn các tập đoàn lớn thế giới vào đầu tư tại Việt Nam.

Phát triển chuỗi cung ứng bền vững cho ngành Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam -0
Các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam cần phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất. Ảnh: ITN

Đối với xu hướng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh mới hiện nay, Theo Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Hồng Liên, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đỏi hỏi doanh nghiệp Việt Nam không chỉ quan tâm việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà cần dành sự đầu tư thích đáng và phù hợp đối với thực hành kinh doanh có trách nhiệm, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và quy định pháp luật trong nước về lao động và môi trường.

Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin tham gia và từng bước khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại diện Công ty TOYOTA Việt Nam cũng chia sẻ về những hoạt động của Toyota với những nỗ lực phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần bảo vệ môi trường, những nỗ lực trong đối thoại chính sách với Chính phủ, đồng thời đề xuất các ý kiến để phát triển chuỗi cung ứng bền vững cho ngành Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Nhận định về xu hướng hiện nay cũng những yêu cầu đối với nhà cung cấp, Bà Đỗ Quỳnh Chi, Liên minh các doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm (RBA) nhận định: “Các quốc gia EU, Mỹ và sắp tới là Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đều theo xu hướng rà soát trách nhiệm về quyền con người. Các doanh nghiệp đầu chuỗi hiện cũng đang tiến hành vẽ sơ đồ chuỗi một cách toàn diện, sau đó sẽ là xác định mức độ rủi ro ở các tầng lớp và bộ phận của chuỗi.”

Đối với xu hướng phát triển bền vững cùng những yêu cầu như hiện nay, Ông Phạm Thanh Tùng, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chia sẻ: “Với nền kinh tế có độ mở cao, tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu như hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất dựa trên chuyển đổi số, cải thiện kỹ năng, trình độ nguồn nhân lực. Có như vậy mới đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia trong việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Khiết Anh
#