Kon Tum

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số

- Chủ Nhật, 18/06/2023, 05:10 - Chia sẻ

Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đặc biệt là đối với học sinh dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với ngành giáo dục các tỉnh miền núi. Nhiều năm qua, tỉnh Kon Tum đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục góp phần nâng cao dân trí, khắc phục sự thiếu hụt cán bộ quản lý là người địa phương. Ðây cũng là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách giáo dục cho đồng bào DTTS

Nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của UBND tỉnh, sự phối hợp khá đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp; cùng với đó là sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành giáo dục và đào tạo; chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã có những tiến bộ đáng kể.

100% số trường mầm non, trường THPT, trường PT DTNT có đủ phòng học để học hai buổi/ngày. Nguồn: ITN
100% số trường mầm non, trường THPT, trường PT DTNT có đủ phòng học để học hai buổi/ngày. Nguồn: ITN

Ðội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng và chất lượng, từng bước được nâng cao; về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu dạy học. Quy mô trường, lớp được mở rộng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không ngừng được ưu tiên, đầu tư. Ðến nay, tỷ lệ phòng học bán kiên cố và kiên cố là 95%, tỷ lệ phòng học tạm bợ là 5%; với chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2, sau năm 2012 có thể đạt tỷ lệ 100% phòng học bán kiên cố và kiên cố như mục tiêu Nghị quyết. Cùng với đó 100% số trường mầm non, trường THPT, trường PT DTNT có đủ phòng học để học hai buổi/ngày .

Chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số từ mầm non đến THPT cũng đã có những chuyển biến tích cực. Hiện tượng học sinh "ngồi nhầm lớp" đã cơ bản được khắc phục; tiêu cực trong việc kiểm tra, thi cử được đẩy lùi; phong trào tự học trong các trường PT DTNT phát triển mạnh, tỷ lệ tốt nghiệp THPT qua các năm tăng ở mức cao.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách đối với học sinh DTTS trên địa bàn, Kon Tum xác định trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Đồng thời tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Lan tỏa các mô hình học tập hiệu quả

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, năm học vừa qua, Kon Tum có 370 trường học (kể cả bậc học mầm non, bậc phổ thông và cơ sở đào tạo). Trong đó, có 133 trường mầm non (gồm 110 trường mầm non công lập và 23 trường mầm non ngoài công lập); 91 trường tiểu học; 56 trường tiểu học và trung học cơ sở; 54 trường trung học cơ sở; 25 trường trung học phổ thông và 11 cơ sở đào tạo.

Đặc biệt, hệ thống các trường chuyên biệt dành cho học sinh DTTS ngày càng được củng cố và hoàn thiện, công tác nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS được chính quyền các cấp và ngành đặc biệt quan tâm. Cụ thể, tỉnh duy trì phát huy hiệu quả với 42 trường Phổ thông dân tộc bán trú, 9 trường phổ thông dân tộc nội trú; trong đó, đối với trẻ và học sinh DTTS có trên 23.000 trẻ.

Phát huy những thành quả đã đạt được, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 06.5.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua Kon Tum đã xây dựng kế hoạch, quán triệt đến các cấp, các ngành và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS.

Tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình học tập có hiệu quả tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú như tổ chức cho học sinh xây dựng và thực hiện kế hoạch tự học ngoài giờ chính khóa; xây dựng góc học tập thân thiện; tổ chức tự học ban đêm có hướng dẫn của giáo viên.

Một số trường học ở vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội đã xác lập nhiều mô hình hay như: “Nhóm bạn cùng tiến”, “Cặp lồng cơm đến trường”, “Xây dựng góc học tập tại nhà”, “Vườn rau bán trú”, “Thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng”, “Vui học tiếng Việt”, “Bữa cơm hạnh phúc”... nhằm duy trì sĩ số học sinh, tăng tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS.

Nhờ thực hiện linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp, những năm qua, Kon Tum đã có hàng nghìn lượt con em học sinh DTTS trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Sau khi tốt nghiệp có kiến thức nhất định, cống hiến cho xã hội, biết cách tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh.

Mỹ Ngọc