Nam Định: Tác động “kép” từ việc tham gia sản phẩm OCOP của các hợp tác xã

- Thứ Năm, 09/05/2024, 20:28 - Chia sẻ

Tham gia chương trình OCOP giúp các hợp tác xã (HTX) của tỉnh nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, được hỗ trợ tư vấn phát triển, hoàn thiện sản phẩm; xây dựng thương hiệu, giới thiệu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm... Từ đó, không ngừng huy động các nguồn lực để mở rộng phát triển sản xuất, hoàn thiện và gia tăng giá trị sản phẩm.

Với sự hỗ trợ của các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, sản phẩm OCOP của các HTX được kết nối, mở rộng giao thương, bước đầu đã tiếp cận với thị trường xuất khẩu thông qua các hội chợ thương mại, sự kiện kết nối cung cầu.

Cùng với đó, việc hình thành các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại nhiều huyện, thành phố đã giúp cho một số HTX trở thành đơn vị kết nối cung - cầu, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Qua đó, đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho các thành viên HTX.

Việc tham gia phát triển sản phẩm OCOP của các HTX có tác động “kép”, vừa hỗ trợ quá trình chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, vừa tham gia tích cực vào chuỗi giá trị gia tăng và hướng đến giá trị hội tụ, lan tỏa văn hóa, tài nguyên bản địa của mỗi địa phương.

Tác động “kép” từ việc tham gia sản phẩm OCOP của các hợp tác xã -0
HTX Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: ITN

Là một trong những HTX tiêu biểu vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có thành tích xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giúp đỡ nhiều nông dân xóa đói, giảm nghèo, HTX Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) chuyên sản xuất nấm sò, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm linh chi, mộc nhĩ… trong nhà màng, nhà lưới trên diện tích hơn 3.000m2 theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ đầu vào cho đến đầu ra. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng mô hình tưới nước phun sương, nhỏ giọt, lắp đặt các thiết bị điều chỉnh độ ẩm trong nhà nấm… nên cây nấm sinh trưởng và phát triển ổn định, cho năng suất cao, chất lượng tốt.

HTX sở hữu 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao gồm: nấm sò trắng, nấm sò nâu, nấm linh chi Xuân Thủy, mộc nhĩ thái sợi, nem nấm, giò nấm, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc với sản lượng cung ứng ra thị trường trung bình mỗi năm khoảng 40 tấn nấm các loại, tổng doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 12 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định Trần Văn Phiệt cho biết, để tiếp tục thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Liên minh HTX tỉnh phấn đấu mỗi HTX có ít nhất 1 sản phẩm chủ lực sản xuất gắn với chuỗi giá trị được đánh giá xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên.

Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ HTX; đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tham gia chương trình OCOP; quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn các HTX về phương thức quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở đó, các HTX tiếp tục phát huy nội lực, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, tập trung quản lý, xây dựng, phát triển các sản phẩm thế mạnh thành chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP. Đồng thời, tích cực nâng cao chất lượng các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cao hơn cho HTX và thành viên.

Phương Phan
#