Bài trừ phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Cuộc đấu tranh "gạn đục khơi trong"

- Thứ Tư, 28/09/2022, 06:10 - Chia sẻ

Xóa bỏ phong tục, tập quán đã lỗi thời, lạc hậu (hủ tục) trong đồng bào dân tộc thiểu số là thay đổi tư tưởng, nhận thức và hành vi của cộng đồng người. Xác định đây là cuộc đấu tranh trường kỳ, gian nan và đầy khó khăn, thách thức, nhiều địa phương chủ động đưa ra văn bản pháp luật, chương trình hành động nhằm gạn đục khơi trong, xây dựng đời sống văn minh cho các vùng đồng bào dân tộc. 

Hủ tục, lạc hậu vẫn đeo đẳng

Năm nay mới 17 tuổi nhưng Giàng A Lâu và Vàng Thị Súa, dân tộc Mông, ở bản Ón, xã Tam Chung, Mường Lát, Thanh Hóa đã có với nhau đứa con hơn 1 tuổi. Do lập gia đình khi chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật nên hiện hai vợ chồng chưa đăng ký kết hôn, em bé vẫn chưa được làm giấy khai sinh. Phàn Thị Nhờ, mẹ của Vàng Thị Súa thừa nhận, bản thân chị trước đây cũng tảo hôn, nên 39 tuổi đã có 4 cháu nội, 1 cháu ngoại, thậm chí có cháu đã học lớp 4.

Cuộc đấu tranh gạn đục khơi trong -0
Bài trừ hủ tục, lạc hậu để xây dựng tương lai tốt đẹp cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn: ITN

Câu chuyện về những bà mẹ ở độ tuổi 15 - 16 không mới, nhưng ở các địa bàn vùng sâu vùng xa vẫn mãi chưa có hồi kết. Đáng nói, không chỉ có tình trạng tảo hôn, mà tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vẫn đang tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, đeo đẳng trong đời sống bà con.

Đằng sau bức tranh đa dạng văn hóa là không ít phong tục, tập quán đã lỗi thời, không còn phù hợp với đời sống đương đại, trở thành vật cản của sự tiến bộ của mỗi cộng đồng và địa phương. Phong tục, tập quán lạc hậu có thể phân thành hai loại, gồm: loại tập tục liên quan mê tín, dị đoan và loại tập tục hình thành từ thói quen, nếp sống hàng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhận thức về điều này, nhiều địa phương đã chủ động ban hành các văn bản pháp luật, xây dựng chương trình hành động, nhằm bài trừ hủ tục trong đời sống.

Ngày 1.7 vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định 385/QĐ-UBND, công bố danh mục 14 hủ tục, phong tục không còn phù hợp cần bài trừ, xóa bỏ hoàn toàn hoặc một phần, đồng thời chỉ rõ tính chất, mức độ ảnh hưởng và sự cần thiết phải xóa bỏ. Trong đó, có 6 hủ tục gồm: Kiêng cữ cái chết xấu; cúng ốm đau và khấn cầu thần linh; kiêng kỵ vật nuôi phóng uế, đẻ con ở dưới, bên trong kho thóc; thuốc thư; hôn nhân cận huyết; tảo hôn. 8 phong tục không còn phù hợp là: Nợ miệng; ăn uống kéo dài trong các dịp tang ma, cưới hỏi, lễ hội; thả rông gia súc, gia cầm; củi hứa hôn; tưởng nhớ và cho người chết ăn; để người chết lộ thiên trên sạp trong tang ma; sinh đẻ tại nhà; ngủ “đầm” (ngủ rẫy). 

Tỉnh Kon Tum có 4 huyện biên giới với 13 xã, có trên 52% đồng bào dân tộc thiểu số. Những hủ tục này đang ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế, nhận thức của bà con, cũng như kìm hãm sự phát triển của địa phương.

Nhiều ý kiến cho rằng, xuất phát từ nhận diện đúng các hủ tục cần bài trừ chính là cơ sở để các cấp, các ngành đề ra giải pháp cụ thể, phù hợp và khả thi nhằm bài trừ, xóa bỏ hủ tục một cách hiệu quả.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Xóa bỏ tập tục lạc hậu là việc làm quan trọng, giúp người dân đẩy lùi một khoảng tối trong suy nghĩ, tư tưởng để không cản bước phát triển. Tuy nhiên, thực tế địa phương cho thấy, đây là việc làm không dễ, và càng khó thực hiện trong một sớm, một chiều. Bởi lẽ, các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa bàn cư trú, phong tục tập quán, trình độ dân trí, đặc biệt khi chúng đã ăn sâu, bám rễ vào nếp nghĩ, sinh hoạt hàng ngày của bà con. Chính vì vậy, những năm qua, nhiều địa phương đã coi công tác đấu tranh bài trừ hủ tục là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, cần có sự chung tay, chung sức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể và cả hệ thống chính trị.

Dẫn chứng ở Hà Giang, một tỉnh miền núi, biên giới có 19 dân tộc, trong đó có hơn 87% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều năm liền, Hà Giang là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong công tác bài trừ hủ tục. Chỉ riêng từ năm 2021, nhiều văn bản pháp luật đã được đưa ra, như: Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 10.5.2021 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bài trừ các hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết chuyên đề số 27-NQ/TU ngày 1.5.2022 về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030…

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, các cấp hội phụ nữ, thanh niên, các tổ chức đoàn thể của tỉnh xác định, thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc... là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, triển khai quyết liệt trên cả hai mặt “xây” và “chống” trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho biết, với quan điểm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, những phong tục, tập quán hay, ý nghĩa, tốt đẹp thì duy trì, phát huy và ngược lại những hủ tục không phù hợp với nếp sống văn minh thì cần loại bỏ. “Để từng bước làm thay đổi nhận thức, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ với những giải pháp linh hoạt, phù hợp với mỗi địa bàn, dân tộc”, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh khẳng định.

Thái Minh