Công đoàn có quyền 'đương nhiên' đại diện người lao động khởi kiện

- Thứ Tư, 26/06/2024, 08:36 - Chia sẻ

Việc đại diện người lao động khởi kiện của Công đoàn gặp nhiều khó khăn, trong khi hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp nợ BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi, gây bức xúc cho người lao động. Thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV vừa qua về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), ĐBQH kiến nghị cần tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Công đoàn thực hiện quyền khởi kiện tập thể. Trong đó, nhấn mạnh quy định rõ trong luật: Tổ chức Công đoàn là đại diện “đương nhiên” để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Công đoàn chỉ khởi kiện khi được người lao động ủy quyền

Thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động là một vấn đề bức xúc, làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của lao động; ảnh hưởng đến quá trình thu BHXH của cơ quan BHXH và niềm tin của người lao động đối với hệ thống an sinh xã hội. Như tại Nghệ An, theo BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 2.2024, có hơn 4.300 đơn vị trên địa bàn nợ BHXH, bảo hiểm y tế với tổng số tiền hơn 281 tỷ đồng. Số nợ nói trên không bao gồm số đơn vị có số lao động bằng không và số đơn vị nợ dưới 1 tháng. BHXH tỉnh Nghệ An cũng đã cung cấp danh sách hàng trăm đơn vị nợ lớn, với tổng số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và số tiền lãi chậm đóng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Còn theo số liệu của BHXH TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31.12.2023, thành phố có 30.629 đơn vị nợ BHXH từ một tháng trở lên, với số tiền hơn 3.260 tỷ đồng.

Liên đoàn lao động Thành phố, Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tham gia vụ kiện đòi nợ lương, chế độ BHXH với Công ty TNHH MTV TBO Vina
Liên đoàn lao động Thành phố, Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tham gia vụ kiện đòi nợ lương, chế độ BHXH với Công ty TNHH MTV TBO Vina

Việc doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm kéo dài với số tiền lớn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động. Trong đó, có những người lao động đã không được chốt sổ về hưu; không được đóng nối BHXH; không có thẻ BHYT để khám, chữa bệnh; người lao động mất việc làm không được hưởng chế độ BHTN… Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực thi hành từ 1.1.2016), cơ quan BHXH không còn thẩm quyền khởi kiện đòi BHXH mà quyền này được chuyển cho tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, việc thực hiện trong thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, theo quy định hiện hành, tổ chức Công đoàn không thể trực tiếp đứng đơn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm như trước đây, mà mỗi cá nhân người lao động là chủ thể đứng đơn, công đoàn chỉ tham gia khởi kiện khi được từng người lao động ủy quyền.

Chủ động bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người lao động

Phản ánh về vấn đề gây nhức nhối này, thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), ĐBQH tỉnh Long An Nguyễn Hoàng Uyên cho biết: việc khởi kiện của tổ chức công đoàn còn gặp nhiều vướng mắc. Công đoàn không thể đại diện khởi kiện tập thể mà phải hướng dẫn người lao động ủy quyền để khởi kiện cá nhân. Việc ủy quyền cá nhân này khá rắc rối, phức tạp, như những doanh nghiệp có hàng trăm, hàng ngàn người lao động trở lên nợ BHXH thì rất khó để tất cả người lao động viết giấy ủy quyền cho tổ chức công đoàn. Nhưng về phía Tòa án nhân dân không nhận đơn khởi kiện tập thể mà bắt buộc phải từng cá nhân lao động làm đơn và giấy ủy quyền cho tổ chức công đoàn nhận ủy quyền khởi kiện, dẫn đến thủ tục hành chính rất nhiều và thời gian xét xử kéo dài do phải xử từng vụ của từng cá nhân, tuyên án của từng cá nhân.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương, tổ chức công đoàn đã tiến hành khởi kiện nhiều doanh nghiệp nợ BHXH để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động. Điển hình, năm 2019, Liên đoàn lao động Thành phố và Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tham gia phiên toà bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho 196 người lao động trong vụ kiện đòi nợ lương, chế độ BHXH đối với Công ty TNHH MTV TBO Vina (địa chỉ tại khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Kết quả đã thắng kiện tất cả 196 hồ sơ của người lao động ủy quyền cho cán bộ Công đoàn với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Do đó cần nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Công đoàn thực hiện quyền khởi kiện tập thể doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động vừa đúng quy định pháp luật, vừa rút ngắn thời gian, tránh người lao động phải đi lại nhiều lần - đại biểu đề xuất.

Cùng quan điểm về nội dung này, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước đánh giá vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với lao động của tổ chức công đoàn rất quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều vụ việc doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH nhưng công đoàn chưa thể khởi kiện do vướng các quy định về thu thập ủy quyền của từng cá nhân lao động. Do vậy, cần quy định rõ trong luật: Tổ chức công đoàn là đại diện “đương nhiên” của người lao động để chủ động bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người lao động; nếu người lao động bị vi phạm quyền lợi thì công đoàn có quyền “đương nhiên” đại diện người lao động để khởi kiện mà không cần ủy quyền của chính người lao động đó.

Trần Thu
#