Đào tạo nghề - việc làm cho lao động

Cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị

- Thứ Ba, 06/06/2023, 06:27 - Chia sẻ

Bên hành lang Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, các ĐBQH ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của lực lượng lao động, nhất là lực lượng lao động qua đào tạo trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh hậu Covid-19 và sự bùng nổ của khoa học công nghệ, vấn đề này còn nhiều điều phải quan tâm…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TẠ VĂN HẠ:
Tiếp tục hoàn thiện chính sách việc làm cho thanh niên

Cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị

Giai đoạn 2020 - 2022 do tác động của đại dịch Covid-19, các công ty, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh gần như đóng cửa hoàn toàn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, trong đó có việc làm của thanh niên. Vừa qua, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với một số địa phương về vấn đề này và thấy đáng báo động.

Tại Long An, khoảng 70% thanh niên trên địa bàn bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ và khu vực công nghiệp, xây dựng. Còn tại Bắc Giang, trên 20 nghìn lao động mất việc làm, trên 60 nghìn lao động phải tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương, trong đó trên 60% là đối tượng thanh niên.

Số lượng thanh niên tham gia học nghề hàng năm tuy được nâng lên nhưng nhìn chung còn thấp so với tiềm năng. Đa số thanh niên học nghề trình độ sơ cấp và thường xuyên; trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỷ lệ thấp nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao.

Một số hạn chế trong công tác việc làm cho thanh niên hiện nay được các địa phương chỉ ra là: các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn thiếu một số ngành nghề đào tạo mà xã hội đang cần, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ. Phụ huynh và học sinh phần lớn vẫn coi trọng bằng cấp (bằng đại học), chưa quan tâm nhiều đến học nghề. Một số ngành nghề mới như bán hàng online nhưng người lao động chưa được đào tạo để có kỹ năng bền vững duy trì nghề nghiệp lâu dài...

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, số lao động mất việc làm trong quý I.2023 là 149 nghìn lao động, tăng 39 nghìn lao động so với quý IV.2022. Còn theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9.2022 - 1.2023, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm, trong đó lao động tại doanh nghiệp FDI chiếm 75%; 4 tháng đầu năm, tình trạng công nhân, đặc biệt là lao động trẻ bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhận trợ cấp thất nghiệp tăng. Nguy cơ mất việc làm của số lao động trẻ cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn…

Thanh niên là lực lượng lao động luôn giữ vị trí to lớn trong hoạt động sản xuất, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, việc làm cho thanh niên rất quan trọng, phải đi trước một bước, nhất là trong bối cảnh khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo phát triển như hiện nay.

Trước mắt, cần tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và xã hội, yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu lao động, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn... Từ đó có chính sách đào tạo, đào tạo lại phù hợp với từng nhóm đối tượng thanh niên; hỗ trợ thanh niên nông thôn trong chuyển đổi nghề, khởi nghiệp bền vững, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; thu hút, miễn, giảm học phí cho thanh niên học một số ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn phục vụ cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Về lâu dài, cần có những giải pháp căn cơ. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện các chính sách về việc làm cho thanh niên. Tổ chức thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, phát triển quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề, nhất là trình độ cao đẳng, trung cấp, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chuyển đổi cơ cấu lao động.

ĐBQH NGUYỄN THỊ THU DUNG (Thái Bình):
Xây dựng bộ tiêu chuẩn năng lực quốc gia của từng ngành, nghề

Cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị

Như chúng ta biết, kết thúc năm 2022 đầy khó khăn nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn có mức tăng đáng nể: 8,02%! Kết quả này đánh dấu năm thứ 42 liên tục, Việt Nam có mức tăng trưởng GDP đạt và vượt mục tiêu đề ra; đứng hàng đầu thế giới (chỉ sau Trung Quốc). Đóng góp vào kết quả này có vai trò quan trọng của GDNN trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động.

Việt Nam đang là quốc gia đông dân thứ 3 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới; đang trong thời kỳ dân số vàng khi có 67,4% dân số trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam đang gia tăng và dân số trong độ tuổi thanh niên giảm dần qua từng năm; tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chưa đạt mục tiêu do Quốc hội đề ra; cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã làm khoảng 2 triệu lao động rời khỏi thị trường… Điều này tạo áp lực không nhỏ cho phát triển của đất nước trong thời gian tới.  

Tôi cho rằng, chúng ta cần đưa ra chính sách, biện pháp kết hợp hiệu quả giữa đào tạo và sử dụng lao động gắn với chiến lược phát triển kinh tế; gia tăng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phải được hoạch định cụ thể và phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Lao động phải được chuẩn hóa ở các ngành nghề; xây dựng được công cụ đánh giá, ghi nhận trình độ để có kế hoạch bổ sung, hỗ trợ đào tạo. Xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề hoặc chuẩn năng lực quốc gia của từng ngành, nghề để các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp căn cứ vào đó xây dựng chương trình đào tạo, tự đào tạo hoặc người lao động tự học tập, rèn luyện nâng cao tay nghề.

Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ cơ sở đào tạo để đào tạo đối tượng này có tay nghề cao, chuyên môn vững nhằm tăng khả năng cạnh tranh và tạo thương hiệu lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yếu kém, nên mạnh dạn cắt bỏ; những cơ sở làm tốt nên tạo điều kiện để cơ sở phát huy thế mạnh, chủ động trong đào tạo, nhất là đào tạo văn hóa song song đào tạo nghề cho hệ 9+…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh THẠCH PHƯỚC BÌNH:
 Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại 

Cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị

Là tỉnh ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với dân số hơn 1 triệu người, trong đó, dân tộc Khmer chiếm trên 31%, Trà Vinh đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Bởi đây là lực lượng nòng cốt, có tính quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,94%; tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 35,94%; tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt 88,38%; tỷ lệ lao động tham gia học nghề nông nghiệp chiếm 44,20% và phi nông nghiệp chiếm 55,79%…

Năm 2022, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Chiến lược xác định, phát triển GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập; chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo... Phát triển GDNN bám sát nhu cầu của thị trường lao động, gắn kết với việc làm, an sinh xã hội và phát triển bền vững; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Theo đó, đến năm 2025, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%; thu hút từ 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống GDNN; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 45%; tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%. Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại…

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, cần triển khai đồng bộ các giải pháp; bao gồm: nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý; gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động; ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho GDNN; truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội, chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về GDNN.

Bình Nhi
#