Bình Phước: Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động dân tộc thiểu số

- Chủ Nhật, 25/02/2024, 16:12 - Chia sẻ

Khắc phục những hạn chế, khó khăn, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số ở Bình Phước đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước đã tham mưu cho UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đảm bảo mọi quyền lợi, nghĩa vụ cho lao động là người dân tộc thiểu số một cách công khai, hiệu quả.

Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025, Bình Phước đề ra mục tiêu đến năm 2025 tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số và giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số từ 1,5 – 2%/năm. Do đó, giải quyết việc làm hiệu quả sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo nêu trên.

Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn hạn chế; đội ngũ lao động chất lượng cao, công nhân lành nghề vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, sự dịch chuyển lao động từ các địa phương khác đến Bình Phước rất lớn, lao động mùa vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn có thu nhập cao hơn nên việc thu hút lao động vào làm việc khu vực công nghiệp và dịch vụ khó khăn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.

Đào tạo nghề đào tạo nghề giải quyết tốt việc làm cho lao động dân tộc thiểu số -0
Lớp dạy nghề may cho đồng bào dân tộc. (Ảnh: TTXVN)

Trong năm 2023, Bình Phước đã giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 người, đào tạo tạo nghề cho 3.979 người dân tộc thiểu số. Xác định việc làm là nhân tố quan trọng trong nâng cao thu nhập và giảm nghèo, thời gian qua, các địa phương vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động. Các địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động, phát triển.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có rất nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Đơn cử, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hạt điều Đồng Phú (huyện Bù Đăng) hoạt động khoảng 2 năm nay, thu hút nhiều lao động địa phương, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội một số xã 2 huyện Đồng Phú và Bù Đăng.

Hiện, nhiều lao động là người dân tộc thiểu số và khu vực miền núi được các địa phương giới thiệu, hướng dẫn, phối hợp đào tạo nghề, từ đó được tuyển dụng làm việc ở các công ty, cơ sở sản xuất.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, nhìn chung đồng bào dân tộc thiểu số được giải quyết việc làm chủ yếu thông qua các chương trình định canh, định cư, cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm, tự tạo việc làm và lao động đi làm việc tại các trang trại, thu hút vào các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn; chính sách hỗ trợ cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc được triển khai nhờ nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương và địa phương.

Thời gian tới, để việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả tốt hơn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn cũng như nhu cầu người sử dụng lao động để tổ chức các lớp học phù hợp. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo, giúp lao động nông thôn nắm bắt tốt kiến thức được đào tạo để áp dụng hiệu quả vào thực tế, từ đó tạo việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sở tiếp tục chú trọng phát triển thị trường lao động, cung cấp thông tin về cung, cầu lao động; duy trì cập nhật thông tin trên website người tìm việc – việc tìm người (http://vieclambinhphuoc.gov.vn) hỗ trợ các tiện ích phục vụ kết nối cung - cầu lao động với các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong khu vực; thực hiện hiệu quả việc tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; giải ngân vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động như: Phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh... Chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến đông đảo người dân, nâng cao chất lượng lao động; đẩy mạnh thông tin, dự báo thị trường lao động, xây dựng các giải pháp cung ứng đủ nguồn lao động tại chỗ cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề, thu hút các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động dạy nghề. Đồng thời, tiếp tục triển khai hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, có sự kết hợp giữa 3 bên (cơ sở dạy nghề - người lao động - doanh nghiệp)

Dương Lê
#