Giải bài toán thiếu cát san lấp cho các tuyến cao tốc:

Bài 3: Vì sao việc cấp mỏ và khai thác cát chưa như kỳ vọng?

- Thứ Tư, 17/04/2024, 09:01 - Chia sẻ

Lần đầu tiên ngành tài nguyên, môi trường tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thực hiện việc cấp, giao mỏ cát sông cho nhà thầu cao tốc; do đó, đơn vị cấp phép và đơn vị được giao khai thác gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ về thủ tục dẫn đến việc cấp mỏ và khai thác cát chưa như kỳ vọng.

Bài 1: Nỗ lực thi công cao tốc theo cách “cầu không chờ đường, người không chờ việc”
Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh An Giang, Đồng Tháp, đến thời điểm hiện tại, hai địa phương đã bàn giao 18 mỏ cát sông cho nhà thầu tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và tuyến cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau, với trữ lượng khai thác khoảng 23 triệu m3 cát.

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp Hồ Thanh Phương chia sẻ, lần đầu tiên đơn vị thực hiện việc cấp mỏ cát cho các nhà thầu cao tốc theo cơ chế đặc thù được Quốc hội và Chính phủ thông qua nên có nhiều thủ tục cần phải làm rõ để thực hiện đảm bảo theo quy định. Thời gian đầu, các ngành chức năng của tỉnh còn lúng túng, kéo dài thời gian thực hiện trong triển khai thực hiện.

Nhưng các đơn vị của tỉnh và ngành TN-MT chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan và liên tục xin ý kiến của Bộ TN-MT và các bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ cấp, giao mỏ cát cho nhà thầu cao tốc. Nhất là từ khi Bộ TN-MT ban hành Công văn 1264 ngày 29.2.2024 về việc hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phục vụ các dự án giao thông đã được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, việc giao mỏ cát thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Nhưng thực tế, các tuyến cao tốc đang thiếu hụt nguồn cát san lấp trầm trọng, cho thấy công tác cấp phép, khai thác cát thời gian qua còn chậm.

Giải thích về điều này, lãnh đạo Sở TN-MT Đồng Tháp cho rằng, do một số mỏ cát nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực có địa hình uốn cong hoặc khu vực có cấu tạo địa chất yếu,… nên việc khai thác cát không thể tấp nập, ồ ạt. Ngoài ra, một số tư vấn cho nhà thầu thi công thực hiện hồ sơ khai thác cát chưa chặt chẽ, dẫn đến hồ sơ được cấp phép khai thác còn chậm. Bên cạnh đó, việc khai thác cát tại địa phương này, sau đó dùng sà lan vận chuyển cát qua nhiều địa phương khác rồi mới đến công trình nên mất nhiều thời gian.

Bài 1: Nỗ lực thi công cao tốc theo cách “cầu không chờ đường, người không chờ việc”
Việc khai thác cát ở địa phương này rồi di chuyển qua nhiều địa phương khác mới đến công trình nên mất nhiều thời gian

Ở góc độ đơn vị được giao mỏ cát khai thác phục vụ cao tốc, Trung tá Lê Xuân Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) thi công gói thầu 42 tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cho biết, để đưa mỏ cát vào khai thác, đơn vị thực hiện nhiều thủ tục theo quy định. Kết thúc giai đoạn hồ sơ, đơn vị thành lập Tổ điều hành khai thác cát, đảm bảo lượng cát khai thác lên đến đúng công trình. Cuối ngày, Tổ có kiểm tra, báo cáo về lãnh đạo, việc này vừa đảm bảo tiến độ thi công dự án, vừa quản lý tránh xảy ra sai sót trong quá trình khai thác cát và vận chuyển cát đến công trình.

Liên quan đến những vấn đề cử tri còn băn khoăn về quản lý khai thác cát phục vụ các tuyến cao tốc, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang Thái Minh Hiển cho rằng, đối với các nhà thầu thi công cao tốc, Sở TN-MT An Giang yêu cầu thực hiện ký hợp đồng cung cấp - tiếp nhận cát với các đơn vị được cấp xác nhận thu hồi khoáng sản theo địa chỉ công trình và khối lượng cát đã được chủ đầu tư phân bổ.

Nhà thầu đăng ký phương tiện vận chuyển (tên, số lượng, số hiệu, trọng tải, loại phương tiện vận chuyển cát) theo danh mục công trình đã được phân bổ với chủ đầu tư dự án; thực hiện lắp đặt thiết bị định vị và giám sát hành trình đối với các phương tiện vận chuyển, kết nối với hệ thống giám sát tài nguyên khoáng sản của tỉnh để theo dõi, quản lý; thông báo bằng văn bản đến các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang (theo quy chế phối hợp).

Bài 1: Nỗ lực thi công cao tốc theo cách “cầu không chờ đường, người không chờ việc”
Trong khi chờ cát, đơn vị thi công tập trung xây cầu, làm đường công vụ

Lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh An Giang cũng yêu cầu đơn vị được cấp xác nhận thu hồi khoáng sản phải tổng hợp, báo cáo khối lượng khai thác về Sở TN-MT. Cùng với đó, các nhà thầu báo cáo định kỳ cho chủ đầu tư dự án về tình hình, thông tin khối lượng cát đã tiếp nhận và thi công đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Sở TN-MT theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình khai thác, tiêu thụ cát dựa trên thông tin “đầu ra” (lượng cát khai thác tại mỏ) và “đầu vào” (lượng cát đưa về công trình cao tốc).

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp Hồ Thanh Phương cho biết, đến thời điểm này, các nhà thầu cơ bản khai thác đáp ứng được yêu cầu. Hàng tháng Sở TN-MT phối hợp với các ngành, địa phương và Tổ kiểm tra liên ngành của tỉnh, kiểm tra kết quả thực hiện của các công ty đang khai thác, kết quả kiểm tra cho thấy chưa có dấu hiệu bất thường, các khu vực khai thác cơ bản đảm bảo về độ sâu khai thác, công suất khai thác theo quy định.

Bài 1: Nỗ lực thi công cao tốc theo cách “cầu không chờ đường, người không chờ việc”
Nhiều mỏ cát có trữ lượng lớn sẽ được khai thác vào giữa tháng 4.2024 để phục vụ các tuyến cao tốc đang thiếu cát nhiều tháng qua

Thời gian tới, Sở TN-MT Đồng Tháp tiếp tục phối hợp với các ngành và địa phương, Tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát các nhà thầu thi công các mỏ được cấp nhằm đảm bảo việc khai thác và cung ứng đúng theo quy định.

Trước sự thiếu hụt nguồn cát đắp nền cho các tuyến cao tốc, việc Quốc hội, Chính phủ mở cơ chế đặc thù cho các địa phương giao mỏ cát trực tiếp cho các nhà thầu thi công, phần nào giải bài toán thiếu nguồn nguyên liệu san lấp, giúp các đơn vị thi công từng bước tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, việc cấp phép, giao nhận và đưa các mỏ cát vào khai thác vẫn còn chậm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lý do các đơn vị liên quan chậm đưa cát sông đến công trình cao tốc một phần là do thủ tục hiện hành và còn do cán bộ được giao nhiệm vụ quá cẩn trọng khi xử lý công việc liên quan đến cấp quyền và khai thác cát. Vì thời gian qua, một số địa phương buông lỏng quản lý, dẫn đến sai phạm nghiêm trọng, điều này ít nhiều ảnh hướng đến tâm lý làm việc của cán bộ quản lý tài nguyên cát ở một số địa phương.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.

Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 tại TP. Cần Thơ dài 37,2km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.

Cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Dự án đi qua địa bàn TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Dự án được khởi công ngày 1.1.2023, chia thành 2 dự án thành phần, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài hơn 37km, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài hơn 73km, tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Nguyễn Hành
#