Giải bài toán thiếu cát san lấp cho các tuyến cao tốc:

Bài 1: Thi công cao tốc theo cách “cầu không chờ đường, người không chờ việc”

- Thứ Hai, 15/04/2024, 11:29 - Chia sẻ

Do nguồn cát san lấp thiếu hụt nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau. Tuy nhiên, thay vì ngồi chờ cát, các nhà thầu nỗ lực thi công theo cách “cầu không chờ đường, người không chờ việc”.

Bài 1: Nỗ lực thi công cao tốc theo cách “cầu không chờ đường, người không chờ việc”
Theo Trung tá Lê Xuân Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11, hiện đơn vị tập trung thi công 5 cây cầu trên toàn tuyến của gói thầu 42

Đầu tháng 4.2024, Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân có mặt tại gói thầu số 42, Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng (đoạn KM0+314 đến KM17+240) do liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty cổ phần Thiết bị 624 phụ trách. Những ngày qua, dưới cái nóng công trường trên 37 độ C, công nhân, kỹ sư vẫn tập trung đầy đủ, ngày đêm thi công 5 cây cầu trên tuyến đường dài hơn 12,2km.

Trung tá Lê Xuân Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) cho biết, vị phụ trách thi công gói thầu 42 dài 12,26km đường và 5 cây cầu. Sau gần một năm khởi công, tổng giá trị thi công đạt khoảng 175 tỷ  đồng, tương đương 10% khối lượng công trình. Hiện, đơn vị đang làm luôn ca đêm, khẩn trương hoàn thành các phần việc liên quan đến 5 cây cầu, để dịp Lễ 30.4, đơn vị sẽ gác dầm cầu.

“Do nguồn cát san lấp thiếu hụt nên tiến độ thi công chậm hơn 10%. Tuy nhiên, đơn vị vẫn nuôi quân, nghĩ việc mà làm, không ngồi chờ việc. Có nguồn cát bao nhiêu, phục vụ đường công vụ đến đó, đường công vụ đến đâu, cầu làm lên đến đó. Chúng tôi tiếp tục đào đất, bóc hữu cơ, chờ cát san lấp. Đến nay, công nhân phải phát cỏ 5 lần mà cát đắp nền vẫn chưa có”, Trung tá Lê Xuân Đại chia sẻ.

Bài 1: Nỗ lực thi công cao tốc theo cách “cầu không chờ đường, người không chờ việc”
Do thiếu cát san lấp, đơn vị thi công đã 5 lần cho công nhân phát cỏ nền đường cao tốc

Theo Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11, gói thầu cần hơn 3 triệu m3 cát. Trước đây, An Giang phân bổ cho dự án 3 mỏ cát là Thủ Tuyền, Tân Hồng, Vạn Hưng Tùng với tổng trữ lượng khoảng 938.000m3 cát. Đến nay, tổng khối lượng cát đến được công trường mới đạt khoảng 150.000m3 (bao gồm số cát đơn vị mua thương mại).

Số cát này được sử dụng làm đường công vụ và san lắp mặt bằng tại các vị trí thi công cầu. Riêng đường công vụ đã cần đến khoảng 200.000m3 cát. Hiện vẫn còn khoảng 4,5km đường công vụ chưa có cát san lấp. Trong khi đó, tỉnh An Giang đã đóng 2 trong 3 mỏ cát trên. Hiện chỉ còn mỏ cát Vạn Hưng Tùng đang khai thác cầm chừng, mỗi ngày chỉ cung ứng 500m3 cát.

Liên quan gói thầu 42, tỉnh An Giang vừa bàn giao thêm mỏ cát cho nhà thầu, dự kiến đến giữa tháng 4.2024, bắt đầu khai thác. Tuy nhiên, nhu cầu cát trong năm 2024 lên đến 2,2 triệu m3, trong khi đó, mỏ cát vừa được giao có trữ lượng khoảng hơn 1,2 triệu m3 nên vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu của dự án.

Bài 1: Nỗ lực thi công cao tốc theo cách “cầu không chờ đường, người không chờ việc”
Dự án thành phần 2, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua TP. Cần Thơ chậm tiến độ vì thiếu cát

Tương tự Dự án Thành phần 1, hiện Dự án thành phần 2 thuộc dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ) cũng do thiếu cát san lấp nên nhà thầu chỉ tập trung làm đường công vụ, thi công cầu trên toàn tuyến.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ - chủ đầu tư dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, tuyến qua Cần Thơ dài hơn 37km, có 4 gói thầu xây lắp. Trong khi chờ có nguồn cát san lấp, thời gian qua nhà thầu tập trung thi công đường công vụ và các cầu lớn như cầu kênh Thị Đội, cầu kênh Đứng, cầu kênh Thắng Lợi…  

Bài 1: Nỗ lực thi công cao tốc theo cách “cầu không chờ đường, người không chờ việc”
Thay vì ngồi chờ cát, các đơn vị thi công tập trung máy móc, nhân sự thi công đường công vụ, các cầu trên toàn tuyến

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, dự án thành phần 2 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng cần đến 7 triệu  m3 cát. Hiện, An Giang đã bàn giao cho Cần Thơ mỏ cát Bình Phước Xuân để khai thác, phục vụ cho dự án. Tuy nhiên, đánh giá lại trữ lượng thì mỏ cát này có khoảng 2,3 triệu m3. Như vậy, vẫn còn thiếu khoảng 4,7 triệu m3.

Hiện nhà thầu tập trung đào nền đường, bóc hữu cơ và nhiều lần phát cỏ,… chờ cát. Dự kiến giữa tháng 4.2024, nhà thầu sẽ bắt đầu khai thác mỏ cát Bình Phước Xuân (An Giang) phục vụ dự án.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.

Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 tại TP. Cần Thơ dài 37,2km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.

Cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Dự án đi qua địa bàn TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Dự án được khởi công ngày 1.1.2023, chia thành 2 dự án thành phần, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài hơn 37km, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài hơn 73km, tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng.

Còn tiếp...

Bài và ảnh: Nguyễn Hành
#