Tuổi trẻ vượt khó bằng tín dụng chính sách

Bài 3: Đi làm thuê, về làm chủ

- Chủ Nhật, 26/03/2023, 06:13 - Chia sẻ

Giờ đây, cụm từ “đi làm thuê về làm chủ” không còn xa lạ với nhiều người dân vùng khó khăn. Nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, thậm chí trở thành các ông, bà chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn sau khi đi xuất khẩu lao động trở về. Đáng quý, họ đều có chung điểm xuất phát là cùng vay vốn đi xuất khẩu lao động từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH).

Nhiều cách làm hay

Ngoài các chính sách cho vay vốn theo Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương còn xây dựng các chính sách cho vay đối với người lao động cư trú trên địa bàn từ nguồn ngân sách của tỉnh, ủy thác qua NHCSXH như Vĩnh Phúc, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Định, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Hải Dương, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Long An... hoặc ưu tiên trích từ nguồn thu hồi cho vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để cho vay xuất khẩu lao động (như Quảng Ngãi, Bến Tre, Sóc Trăng...

Ảnh: Chị Lê Thị Hồng Hạnh dạy tiếng Nhật cho các lao động chuẩn bị sang Nhật làm việc. Ảnh: Nguyễn Hành
Chị Lê Thị Hồng Hạnh dạy tiếng Nhật cho các lao động chuẩn bị sang Nhật làm việc. Ảnh: Nguyễn Hành

Đơn cử tại Bến Tre, ngoài nguồn ngân sách của địa phương ủy thác qua NHCSXH, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh còn vận động doanh nghiệp ủy thác nguồn vốn qua NHCSXH tỉnh để cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, với tổng số tiền ủy thác là 20 tỷ đồng, mức cho vay 50 triệu/người, thời hạn cho vay 9 tháng. Nhìn chung, các địa phương sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tỉnh đều lập kế hoạch thực hiện theo quy định tại Thông tư 11/2017/TT-BTC ngày 8.2.2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng còn xây dựng riêng Đề án chính sách tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, cá nhân thanh niên khởi nghiệp ở Lâm Đồng sẽ được vay ưu đãi tối đa 200 triệu đồng; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, con số này lên đến 2 tỷ đồng cho mô hình/dự án. Đề án nhằm mục tiêu hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho thanh niên vay để khởi nghiệp, lập nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên. Đồng thời, khuyến khích khát vọng làm giàu chính đáng của tuổi trẻ trong tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ cao, xây dựng các mô hình du lịch mới, đa dạng.

Theo kế hoạch năm 2022, Đề án sẽ hỗ trợ cho 60 thanh niên trong toàn tỉnh vay vốn để sản xuất, kinh doanh, trong đó có ít nhất 50 dự án khởi nghiệp; giai đoạn 2023 - 2025, mỗi năm, hỗ trợ 300 thanh niên vay vốn, trong đó có ít nhất 20 dự án khởi nghiệp và giai đoạn 2026 - 2030, mỗi năm 500 thanh niên vay vốn, trong đó có ít nhất 50 dự án khởi nghiệp. Lãi suất cho vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động là thanh niên bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo quy định.

Đặc biệt, trong các trường hợp: người lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, bộ đội xuất ngũ, cơ sở sử dụng 30% người lao động trở lên là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật thì mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay theo quy định. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay; thời hạn cho vay tối đa là 120 tháng, do NHCSXH xem xét.

Mở ra tương lai tươi sáng

Xác định chương trình cho vay xuất khẩu lao động là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho gia đình và địa phương. Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phong Thổ, Lai Châu đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Đến nay, NHCSXH huyện Phong Thổ đã giải ngân cho 67 lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động với tổng số tiền trên 5,9 tỷ đồng.

Đến 30.11.2022, doanh số cho vay của chương trình cho vay đi làm việc ở nước ngoài đạt 518 tỷ đồng với gần 6.800 lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; dư nợ đạt 764 tỷ đồng với hơn 14.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ quá hạn là hơn 11 tỷ đồng, chiếm 1,48% so với dư nợ của chương trình.

Đơn cử, gia đình ông Lý Phủ Lìn, bản Tân Séo Phìn, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, Lai Châu là một ví dụ, Năm 2021, ông Lý Phủ Lìn đã mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn cho con trai là Lý Láo San đi xuất khẩu lao động ở thị trường Đài Loan. Sau một năm, anh Lý Láo San đi làm việc ở nước ngoài, gia đình ông Lý Phủ Lìn không những đã trả hết 89 triệu đồng tiền vay của NHCSXH huyện mà còn thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Hơn nữa, gia đình còn tích cóp và xây được một ngôi nhà cấp 4 khang trang.

Không chỉ Lai Châu, rất nhiều địa phương trên cả nước đã vươn lên, thoát khỏi vùng trũng khó khăn nhờ xuất khẩu lao động. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ được biết thêm nghề mới, được học các kỹ năng hiện đại, làm việc trong môi trường kỷ luật cao, có thêm vốn liếng ngoại ngữ, giải quyết khó khăn của bản thân và gia đình… khi trở về nước, họ còn là nguồn lao động chất lượng cao, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng đất nước.

Điển hình như chị Lê Thị Xuân Nhi và chị Lê Thị Hồng Hạnh ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp, sau khi đi làm việc ở Nhật trở về nước, các chị đã trở thành những giáo viên dạy tiếng Nhật có tiếng tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp. Hai chị chia sẻ, sống trên đất bạn, các chị thấy cảm phục bởi người Nhật năng động, sáng tạo và có tính kỷ luật cao khi làm việc. Đặc biệt, họ luôn đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu. Có lẽ vì điều đó, mỗi công dân Nhật tự bảo ban mình phải làm việc hết mình, chu đáo, cẩn thận từng chút một để hoàn thành sản phẩm tốt nhất mà không cần ai nhắc nhở, giám sát. “Đấy chính là điều chúng ta nên học tập nước bạn” - chị Hạnh nói.

Nhiều địa phương nghèo khó như xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh; xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An; hay một số xã ở Thanh Hóa, Đồng Tháp, Bến Tre… đã trở thành làng, xã tỷ phú nhờ đưa con em đi làm việc ở nước ngoài. Ở nơi đó, một tương lai tươi sáng đang rộng mở!

Bình Nhi