Tuổi trẻ vượt khó bằng tín dụng chính sách

Bài 2: Không chỉ làm giàu cho bản thân

- Thứ Bảy, 25/03/2023, 06:13 - Chia sẻ

Sự bùng nổ về công nghệ thông tin cũng như hiệu quả từ các hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước đã giúp thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa nhận ra rằng: Tri thức, vốn và sự quyết tâm mãnh liệt sẽ là điều kiện căn bản nhất giúp bản thân cũng như đồng bào mình thoát khỏi nghèo khó, tiến kịp miền xuôi. Vậy là, cùng với sự trợ giúp của nguồn vốn tín dụng chính sách, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các chàng trai, cô gái vùng cao đã và đang cùng nhau tự lực vươn lên, làm giàu cho chính mình và cho quê hương.

Từng bước thoát nghèo…

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất, không việc làm ổn định, anh Nguyễn Văn Tèo, sinh năm 1985, hiện đang sinh hoạt tại Chi hội Liên hiệp thanh niên ấp An Lợi, xã An Thủy, huyện Ba Tri, Bến Tre đã từng là hộ nghèo cùng cực của xã. Năm 2010, được sự hỗ trợ của xã đoàn An Thủy, anh Nguyễn Văn Tèo được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện, bắt đầu khởi nghiệp từ 5 con dê cái.

Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên việc chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Song, với tinh thần cần cù, sáng tạo, quyết tâm vượt khó vươn lên, anh không ngừng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi dê từ sách, báo để áp dụng và mang lại hiệu quả. Không dừng lại ở đó, anh Tèo luôn tìm kiếm thị trường tiêu thụ bằng mọi kênh thông tin trên internet, để tránh bị thương lái ép giá, đưa chăn nuôi dê phát triển bền vững. Khi có đối tác, anh quyết định chuyển sang mua bán dê để tiêu thụ sản phẩm của người dân ở địa phương. Hiện tại, mỗi tháng anh mua, bán hơn 100 con dê, trừ chi phí còn lãi trên 30 triệu đồng.

Đầu năm 2017, với Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, anh Tèo đã mạnh dạn mua thêm 1ha đất đầu tư mở rộng chuồng trại và xây dựng lò giết mổ đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường để cung cấp thịt cho thị trường với kinh phí 1,2 tỷ đồng. Hiện nay, ngoài bao tiêu đầu ra cho dê trong và ngoài xã, anh Tèo còn phân phối dê giống cho các tỉnh lân cận. Ngoài ra, cơ sở mua bán dê Nguyễn Tèo giải quyết việc làm cho 5 lao động với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, ngày càng nhiều thanh niên có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả. Chị Bùi Thị Hà, xóm Trọng, xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi, Hòa Bình là một trong những tấm gương đoàn viên thanh niên tiêu biểu trong phong trào lập nghiệp, phát triển kinh tế tại địa phương. Được tạo điều kiện tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi và vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện, chị Hà mạnh dạn đầu tư 2.000m2 cây, con giống, từng bước hiện thực hóa mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Sau hơn 3 năm vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, chị Hà đã sở hữu mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt với 100 gốc bưởi đỏ và khoảng 200 con gà ri. Bình quân mỗi năm, mang lại khoản thu nhập trên 110 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Tèo hay chị Bùi Thị Hà chỉ là 2 trong số hàng nghìn đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn khởi nghiệp thành công với nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Các anh chị là những tấm gương tiêu biểu cho khát vọng vươn lên; mang sức trẻ cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Giúp đồng bào thoát nghèo bền vững

Xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam là nơi chứng kiến trang sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; nơi có dãy Trường Sơn hùng vĩ với đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Tuy nhiên, đây cũng là nơi mà người dân còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế thời bình, đồng bào vẫn quen lối sống lạc hậu, tự cung, tự cấp.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1, xã Trà Tân Đinh Văn Hoàng cho biết, vào những năm đầu của thế kỷ XXI, thôn 1 có 100% là hộ nghèo, trong đó 85% gia đình thiếu đói giáp hạt. Bản thân anh cũng từng là hộ nghèo trước năm 2008, khi được chính quyền và NHCSXH tuyên truyền vận động, anh Hoàng nhận thức rõ muốn thoát nghèo và làm giàu chính đáng, phải mạnh dạn vay vốn Nhà nước chí thú làm ăn, trồng keo, nuôi bò. Song, con đường thoát nghèo của anh cũng như người dân trong thôn không dễ dàng khi phải trải qua cả chục năm chăn nuôi với nhiều vòng quay từ vốn vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, rồi đến hộ mới thoát nghèo. Đến nay, thôn 1 đã có 75% hộ thoát nghèo và không phát sinh hộ tái nghèo. Nhiều hộ đã có “của ăn của để”, trở thành tấm gương sáng cho người khác noi theo.

Trưởng thôn Hồ Thanh Tùng cũng vậy, trải qua 2 vòng vốn vay hộ nghèo, đến năm 2019, anh Tùng đã có trong tay 5ha keo và cặp trâu. Năm 2020, anh tiếp tục vay 80 triệu đồng để đầu tư mở rộng đàn trâu tới 7 con. Cùng với vài lần thu hoạch keo trong những năm qua đã làm cho anh tự chủ về tài chính để nuôi 3 người con ăn học.

Đến Lâm Đồng, hình ảnh xã Sơn Điền một thời khốn khó, nằm tách biệt với trung tâm huyện Di Linh chừng 50km; hình ảnh đồng bào Cơ Ho chỉ biết dựa vào rừng già, sống bằng săn bắt, hái lượm giờ đã vào dĩ vãng. Ốc đảo Sơn Điền đã đổi thay. Nơi đây đã mọc lên san sát những ngôi nhà kiên cố; đường liên thôn, liên xã mở rộng, trải bê tông bằng phẳng và nhộn nhịp những chuyến xe chở cà phê, nông sản. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành trong địa phương cùng với kết quả đầu tư các chương trình dự án của Nhà nước, nhất là nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, bức tranh kinh tế - xã hội ở Sơn Điền đã có nhiều khởi sắc.

Hơn 20 năm qua, đã có hơn 42 triệu lượt hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên cả nước được vay vốn với hơn 814 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn đã góp sức giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn 2,75% (năm 2020); từng bước nâng cao đời sống Nhân dân và giúp đồng bào thoát nghèo bền vững.

Bình Nhi