Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại Tây Nam Bộ giai đoạn 2021 - 2023

Bài 1: Nghĩ khác - làm khác - diện mạo sẽ khác!

- Thứ Sáu, 26/04/2024, 08:27 - Chia sẻ

Từ chỗ là vùng trũng, đầy khó khăn; chất lượng tín dụng thấp, nợ xấu cao… đến nay, sau 3 năm triển khai Đề án Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2021 - 2023, hoạt động tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thực hiện đã có bước đột phá ngoạn mục. "Tất cả do sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân. Khi họ nghĩ khác, làm khác, diện mạo sẽ khác…" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai khẳng định.

"Chuyển" cả về lượng và chất

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, giai đoạn 2021 - 2023, chất lượng tín dụng tại chi nhánh NHCSXH các tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Tại Bạc Liêu, đến hết 2023, tổng nguồn vốn đạt 3.061,4 tỷ đồng, tăng 901 tỷ đồng so với 31.12.2020; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 193,8 tỷ đồng, tăng 104,4 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 3.057,4 tỷ đồng, tăng 901 tỷ đồng với 95.393 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 đạt gần 355 tỷ đồng với 7.803 khách hàng, đạt 100% kế hoạch được giao.

Tại tỉnh Sóc Trăng, tổng nguồn vốn đạt 5.177,8 tỷ đồng, tăng 1.476,2 tỷ đồng so với 31.12.2020; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 192,4 tỷ đồng, tăng 90,9 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 5.171,4 tỷ đồng, tăng 1.475 tỷ đồng (tăng 40%) so với 31.12.2020 với 157.186 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 đạt 592 tỷ đồng với 12.062 khách hàng, đạt 100% kế hoạch.

Tại tỉnh Kiên Giang, tổng nguồn vốn đạt 5.885 tỷ đồng, tăng 2.146,4 tỷ đồng so với 31.12.2020. Nguồn vốn nhận ủy thác địa phương 421,4 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 5.873 tỷ đồng, tăng 2.141 tỷ đồng (tăng 57,4%) so với 31.12.2020 với 129.309 khách hàng cò dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 đạt 955 tỷ đồng với 10.133 khách hàng, đạt 100% kế hoạch được giao.

Ảnh: Đồng bào Khmer ở An Giang nỗ lực thoát nghèo. Ảnh H. Huynh
Đồng bào Khmer ở An Giang nỗ lực thoát nghèo. Ảnh: H. Huynh

Tại tỉnh Cà Mau, tổng nguồn vốn đạt 4.139,4 tỷ đồng, tăng 1.341,3 tỷ đồng so với 31.12.2020. Nguồn vốn nhận ủy thác địa phương 247,5 tỷ đồng, tăng 113,6 tỷ đồng. Doanh số cho vay đạt 2.883 tỷ đồng với 97.276 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ đạt 1.541 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 4.130 tỷ đồng, tăng 1.337 tỷ đồng (tăng 47,9%).

Tại tỉnh An Giang, tổng nguồn vốn đạt 4.996,8 tỷ đồng, tăng 1.625 tỷ đồng so với 31.12.2020. Nguồn vốn nhận ủy thác địa phương 299,4 tỷ đồng, tăng 110,4 tỷ đồng. Doanh số cho vay đạt 3.872 tỷ đồng, với 102.968 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ đạt 2.217 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 4.990 tỷ đồng, tăng 1.598 tỷ đồng (tăng 47,1%) so với 31.12.2020…

Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm mạnh

Cùng với các chính sách hỗ trợ khác, chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp cho đời sống hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách của 13 tỉnh Tây Nam Bộ khởi sắc từng ngày.

Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn vùng đạt 4,1 triệu đồng/tháng; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ mức rất cao là 36,9% vào năm 1998 xuống chỉ còn 12,6% vào năm 2010 và đến năm 2022 là 2,26%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của cả nước (4,03%) và chỉ xếp sau khu vực đồng bằng sông Hồng (1%) và Đông Nam Bộ (0,21%).

20 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo ở Hậu Giang chiếm gần 24%, là một trong những địa phương khó khăn nhất của đồng bằng sông Cửu Long khi đó. Sau 20 năm, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh giờ còn 3,49% - quả là một kỳ tích.

Là một trong những hộ thoát nghèo trong năm 2023, gia đình chị Dương Thị Kiều, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, Hậu Giang vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Chị Kiều chia sẻ, trước đây, gia đình chị khó khăn, thiếu thốn đủ bề, mãi mà không thoát khỏi nghèo. Nhưng giờ gia đình chị cũng như bà con nơi đây đã có cuộc sống ổn định hơn. "Đó là nhờ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương; việc cho vay vốn của NHCSH đã giúp chúng tôi hồi sinh", chị Kiều nói.

Ngày nay, giảm nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng xã hội. Các đối tượng chính sách đều nhận được sự quan tâm, trợ giúp kịp thời về nhà ở, nguồn sinh kế, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm… Với những hộ đã thoát nghèo luôn được tạo điều kiện để người dân thoát nghèo bền vững, tránh tái nghèo.

Chị Nhan Thị Duyên, ở ấp Phước Thuận, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, Hậu Giang đã thoát nghèo cách đây 2 năm. Năm 2023, chị lại tiếp tục được vay vốn NHCSXH để nuôi dê. "Với sự phát triển đàn dê thuận lợi, chúng tôi chắc chắn sẽ không tái nghèo" - chị Duyên khẳng định.

Tại An Giang cũng vậy, tinh thần vượt khó, thoát nghèo đã lan tỏa sâu rộng tới từng ngóc ngách. Đến cuối quý I.2024, tổng nguồn vốn NHCSXH An Giang đạt 5.200,7 tỷ đồng, tăng 203,8 tỷ đồng so với năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng 4,08%. Trong đó, vốn cân đối từ Trung ương là 4.244,3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 81,61%); vốn huy động được Trung ương cấp bù lãi suất là 610,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 11,74%/tổng nguồn vốn, tăng 12,9 tỷ đồng so với năm 2023. Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 345,9 tỷ đồng; tăng 46,5 tỷ đồng, đạt 155% kế hoạch giao năm 2023 và chiếm 6,65% tổng nguồn vốn.

Những con số trên đã minh chứng rõ cho sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Nhờ vậy, càng ngày An Giang càng có thêm nhiều tấm gương thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế giỏi. Năm 2023, An Giang đã giảm được 5.257 hộ nghèo và 6.918 hộ cận nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo quốc gia so với năm 2022. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng khởi sắc.

Điển hình hộ của ông Chau Kên, ở ấp An Thạnh, xã Lê Trì, huyện Tri Tôn. Trước đây, cả gia đình ông Chau Kên sống bằng nghề làm thuê, thu nhập bấp bênh. Năm 2022, ông Chau Kên được địa phương trao 1 con bò trong đợt hỗ trợ các hộ nghèo của huyện và được NHCSXH huyện cho vay 20 triệu đồng. Sau thời gian nuôi, bò đẻ thêm 1 con bê, đang phát triển khỏe mạnh. Gia đình ông Chau Kên còn tự mua thêm 1 con bò để tăng số lượng nuôi vỗ béo. Năm 2023, gia đình đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Đại diện lãnh đạo xã Lê Trì cho biết, với những hộ có ý chí, quyết tâm và chăm chỉ như gia đình ông Chau Kên, địa phương càng quan tâm, từng bước hỗ trợ họ vươn lên khấm khá. Cuối năm 2023, toàn xã có 59 hộ thoát nghèo, trong đó 43 hộ thoát hẳn diện nghèo.

Bình Nhi
#