Cần có Luật riêng về các ngân hàng chính sách

- Thứ Tư, 16/08/2023, 16:02 - Chia sẻ

Ngày 16.8.2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội". 

Cần có Luật riêng về các ngân hàng chính sách -0
Quang cảnh của hội thảo khoa học cấp quốc gia. Ảnh: Minh Phúc

Tham dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng...

Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, bảo đảm công bằng và an sinh xã hội, "chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước" là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một "điểm sáng" và là một trong những "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới.

Đồng thời, tín dụng chính sách xã hội còn thể hiện tính ưu việt và là quyết sách phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại, bảo đảm sinh kế và sự phát triển của người dân.

Đến nay, tín dụng xã hội đã được triển khai rộng rãi, sáng tạo, có hiệu quả trên toàn quốc, thật sự đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả thiết thực, được đông đảo Nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Cần có Luật riêng về các ngân hàng chính sách -0
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Minh Phúc

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết, cần khẳng định, mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội có tính đặc thù, là sự vận dụng sáng tạo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam; khẳng định và phát huy sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý Nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội; gần dân, phù hợp với nhu cầu của Nhân dân, đồng thời huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để triển khai nhanh chóng, hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Với hệ thống chi nhánh được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, thông qua hàng chục chương trình tín dụng khác nhau, nêu cao khẩu hiệu hành động "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ", Ngân hàng chính sách xã hội đã thiết lập được kênh tín dụng riêng, bám sát cơ sở, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất, kinh doanh; giúp học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn đi học, có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm; hỗ trợ người dân nông thôn, miền núi xây dựng các công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống… góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững.

Trong những năm gần đây, mỗi năm đã có bình quân hơn 2 triệu lượt người nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội. Ngoài ra, ngân hàng cũng dành một lượng vốn đáng kể cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay để giúp các đối tượng chính sách sau khi thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Cần có Luật riêng về các ngân hàng chính sách -0
Các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: Minh Phúc

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, đặc biệt 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, phương thức cho vay đặc thù, hiệu quả, phù hợp; phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, góp phần tạo được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thông qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã giúp chính quyền cơ sở tiếp xúc với người dân nhiều hơn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn của người dân, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại địa phương, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Đến hết 31.7.2023, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 324.753 tỷ đồng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 305.145 tỷ đồng, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 19%/năm. Cùng với tăng trưởng quy mô tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được củng cố và nâng cao. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 0,62%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn 0,17%/tổng dư nợ.

Cần có Luật riêng về các ngân hàng chính sách -0
Thảo luận bàn tròn ở phiên làm việc thứ hai. Ảnh: Minh Phúc

Tại phiên thứ hai của hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học cùng đại diện chính quyền địa phương thảo luận, đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Ủy viên HĐQT NHCSXH Hầu A Lềnh kiến nghị, cần đẩy mạnh việc áp dụng chính sách tín dụng từ cho không sang cho vay, cần sớm có tổng kết sâu thì từ đó mới có sự đánh giá chính xác, cụ thể và hệ thống chính sách luôn cần dựa trên cơ sở pháp luật.

TS. Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, Ủy viên HĐQT NHCSXH cũng cho rằng, Luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về ngân hàng chính sách, việc thể chế chính sách còn gặp nhiều vấn đề, cần hoàn thiện chính sách gắn với bối cảnh mức sống người dân đã được nâng lên, do vậy, nên thảo luận để thay đổi chính sách cho phù hợp.

Cần có Luật riêng về các ngân hàng chính sách -0
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo. Ảnh: Minh Phúc

Phát biểu bế mạc hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Nguyễn Thị Hồng cho biết, do ngân hàng chính sách xã hội và ngân hàng chính sách là hai ngân hàng khác nhau nên việc đưa chi tiết vào luật sẽ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, sẽ cố gắng để đưa vào dự thảo luật. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Hồng cũng đề nghị cần có luật riêng, cụ thể dành cho hai ngân hàng này nhằm xác định rõ ràng địa vị pháp lý của các ngân hàng chính sách.

Minh Phúc
#