Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng khẳng định rằng, Nghị quyết 03/2021 là Nghị quyết rất trúng, đúng và cần thiết, tính khả thi rất cao, vào cuộc sống rất nhanh. Nghị quyết không chỉ tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động mà còn góp phần hỗ trợ nền kinh tế nói chung rất tốt trong giai đoạn, hoàn cảnh vừa qua.
Nhanh, trúng và cần thiết
Nghị quyết nêu rõ, chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sẽ sử dụng khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ BHTN đến hết năm 2020 để hỗ trợ người lao động đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30.9.2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên); người lao động đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2020 đến ngày 30.9.2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Không ít ĐBQH khẳng định, việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động thời điểm đó là giải pháp rất cần thiết, tình thế và rất nhân văn trong bối cảnh đặc biệt; kịp thời đáp ứng yêu cầu hỗ trợ đời sống người dân và người sử dụng lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động nặng nề lên nhiều mặt đời sống xã hội, sinh kế của người dân và hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Nghị quyết số 03 được người lao động, người sử dụng lao động đón nhận, đánh giá cao và cho rằng, đây là chính sách hỗ trợ trên diện rộng, trực tiếp, thiết thực, kịp thời, đúng thời điểm đối với người lao động, người sử dụng lao động tham gia đóng BHTN. Cử tri, người lao động, doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực và sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và đặc biệt là BHXH Việt Nam trong việc tổ chức, phối hợp, triển khai thực hiện Nghị quyết số 03.
Kịp thời ban hành hướng dẫn
Ngay sau khi Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 được ban hành, Chính phủ kịp thời ra Nghị quyết số 116/NQ-CP; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN. Theo đó, tùy thời gian đóng BHTN, người lao động sẽ được nhận hỗ trợ từ 1,8 triệu đồng đến cao nhất 3,3 triệu đồng. Trong thời điểm mà hầu hết người lao động đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thì việc triển khai chính sách hỗ trợ này đặc biệt có ý nghĩa.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng lao động và người lao động nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, ngay trong ngày 1.10.2021; BHXH Việt Nam đã lập tức triển khai việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN trong toàn ngành.
Nhớ lại thời điểm quyết liệt triển khai Nghị quyết 03, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, với phương châm chỉ đạo “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”, BHXH Việt Nam yêu cầu toàn ngành nỗ lực phấn đấu thực hiện cơ bản công tác chi trả xong trong tháng 10.2021. BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 968/QĐ-BHXH thành lập Ban Chỉ đạo Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN; Công văn số 3079/BHXH-BCĐ về việc phân công nhiệm vụ thành viên trong đó phân công cụ thể đến từng thành viên Ban Chỉ đạo. Đồng thời, rút ngắn thời hạn thực hiện xuống 1/2 so với quy định của Quyết định 28/2021/QĐ-TTg; giảm còn 5 ngày làm việc đối với trường hợp có thông tin đúng, đủ và còn 10 ngày làm việc đối với trường hợp có điều chỉnh thông tin hưởng hỗ trợ.
Không chỉ chuẩn bị bài bản từ xây dựng quy trình, bảo đảm nguồn lực, BHXH Việt Nam còn thành lập tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chi trả trợ cấp của BHXH tỉnh, thành phố; chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh trong triển khai để có giải pháp kịp thời, tránh sai sót, nhầm lẫn trong quá trình thực hiện, cảnh báo lạm dụng, trục lợi chính sách…
Ngành BHXH cũng thực hiện đa dạng, linh hoạt hình thức theo sự lựa chọn của người thụ hưởng (giao dịch trực tiếp tại cơ quan BHXH không phụ thuộc địa giới hành chính, hoặc qua dịch vụ bưu chính, qua giao dịch điện tử, ứng dụng VssID) để người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận chính sách thuận lợi nhất và trong thời gian sớm nhất…