
Mới vài tháng trước, bà Merkel lại được chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm thứ ba liên tiếp. Xa hơn chút xíu, mùa thu năm ngoái, bà không chỉ giành được thắng lợi tuyệt đối để tiếp tục ở lại chiếc ghế Thủ tướng Đức mà còn lèo lái để hợp thành liên minh bảo thủ Thiên chúa giáo (CDU và đối tác CSU ở xứ Bavaria) - Dân chủ tự do (FDP), một nội các được ví von như “đội hình trong mơ” có thể đưa nước Đức đến bất kỳ thắng lợi nào. Nhưng chẳng mấy chốc, mọi thứ xoay chuyển sang một góc cạnh khác mà áp lực và sức ép là hai yếu tố chi phối toàn diện. Bị rung chuyển bởi hai quyết định từ chức của các quan chức cấp cao trong đảng, bà Merkel đang lâm vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 2005.
Thoạt đầu là cơn sốt tiền tệ từ người hàng xóm Hy Lạp trong Liên minh châu âu. Bà đã cố gắng hoãn binh đến mức tối đa việc phải bớt xén ngân khố để cứu ông hàng xóm bạo tay chi tiền đến mức vỡ nợ, đổi lại là sự chê bai của những người hàng xóm khác rằng người “anh cả” đã đặt lợi ích của bản thân lên trên sự sống còn của cả gia đình “eurozone” (khu vực đồng tiền chung châu Âu). Đến lúc đổi ý, những khoản tiền ngân sách được trích ra lại phải đón nhận sự la ó từ bên trong đất nước, rằng phung phí cho người ngoài mà thắt túi với người nhà. Thế nên, khi chính phủ công bố gói biện pháp tiết kiệm gần 100 tỷ USD từ nay đến năm 2014 để ngăn chặn đà thâm hụt ngân sách như một cỗ xe đang lao dốc, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình gây nên những cảnh xô xát loạn xạ khiến hàng chục cảnh sát phải nhập viện. Tuần vừa rồi, đội hình trong mơ của những người bảo thủ CDU và các nhà có tư tưởng tự do (FDP) trở thành tâm điểm phê phán của báo chí trong nước. Tuần báo hàng đầu nước Đức, tờ Der Spiegel dự báo “chính phủ đang sụp đổ” và chẳng ai có thể biết trước số phận của Thủ tướng Merkel.
Trong khi đó, hai phe trong liên minh cầm quyền lại đang hục hặc từ chính sách an ninh cho phép trang bị máy quét soi thấu toàn thân đặt tại sân bay cho đến bất đồng trong chủ trương cắt giảm thuế. FDP chỉ trích CSU cư xử như “những con lợn hoang” khi ngăn cản đòi hỏi cải cách y tế, rồi ông Bộ trưởng Quốc phòng - người của CSU bị ví như “gã lùn thâm hiểm”. Đáp lại, CSU phủi tay coi FDP như những kẻ “chiếu dưới” và “tiểu đội dưa chuột”. Tổng thư ký CDU Hermann Grohe chỉ còn nước than trời rằng “không thể tiếp tục như vậy được”. Liên minh, nếu có thuận lợi nhất cũng chỉ ở cùng nhau được đến năm 2013 khi nhiệm kỳ này kết thúc. Nhưng liệu có thể hay không. Trong cuộc họp báo tuần qua sau khi tiếp Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, một phóng viên hỏi thẳng bà Merkel rằng liệu “chính phủ đã đi đến đoạn kết”, bà Merkel cười như muối xót, nhún vai mà rằng một câu chẳng hiểu ý tứ ra làm sao: Chính phủ biết nhiệm vụ của mình.
Nhưng chỉ còn hơn 1 tuần nữa là cái ý tứ đó sẽ có câu trả lời. Ngày 30.6, nước Đức sẽ chọn được vị Tổng thống mới, thay ông Horst Kohler từ chức hồi tháng 5. Bà Merkel đang ra sức cổ vũ cho người trong đảng - Christian Wulff, Bộ trưởng bang Saxony Hạ. Nhưng đối thủ là ông Joachim Gauck lại mới là ứng cử viên có nhiều cơ hội hơn. Mặc dù vai trò Tổng thống Đức mang tính hình thức nhiều hơn thực quyền, nhưng ở vào bối cảnh hiện nay, đó là phép thử tín nhiệm đối với Thủ tướng Merkel. Và có người đã dự đoán cuộc bầu cử sẽ là tiếng còi kết thúc trận đấu của đội hình trong mơ - “đội hình Merkel”.