Mở ra nhiều cơ hội tốt cho doanh nghiệp
- Tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ông thấy các doanh nghiệp đón nhận Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) thế nào?
- Có thể nói, những ngày qua, thông tin Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 khiến cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nói riêng rất vui mừng. Bởi lẽ, lần đầu tiên, cùng với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đặt lên ở vị trí “là đột phá quan trọng hàng đầu”, “là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”. Nghị quyết đang tạo ra niềm tin tưởng rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp về những cơ hội mới rõ rệt hơn, tạo động lực lớn để các doanh nghiệp sẵn sàng đổi mới, ứng dụng công nghệ trong hoạt động.
- Cơ sở nào để ông cho rằng các doanh nghiệp đang có những cơ hội rõ rệt hơn từ Nghị quyết 57?
- Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong các hoạt động của đời sống xã hội. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đều đã quan tâm đến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp liên quan cũng đã được ban hành; chuyển đổi số cũng đã đi vào hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhận thức và hành động của doanh nghiệp về chuyển đổi số vẫn chưa đồng đều; tiếp cận chính sách hỗ trợ đâu đó vẫn chưa thuận lợi, đặc biệt là về vốn - một trong những nút thắt lớn với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn chiếm đại đa số ở nước ta hiện nay.
Tại Nghị quyết 57 đã đưa ra nhiều quy định rất cụ thể và mang tính đột phá, như tăng kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Điều đó đồng nghĩa, chúng ta sẽ có nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Nghị quyết cũng nêu rõ, có các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.
Đổi mới sáng tạo rất đặc thù, gắn với những yếu tố mới, và bởi thế nên trong nhiều trường hợp, khuôn khổ pháp lý chưa theo kịp, chưa có quy định rõ khiến cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý lúng túng, thậm chí có tình trạng “không quản được thì cấm”. Tuy nhiên, Nghị quyết 57 nêu rõ: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm”; “có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”; “có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan…”. Đây là nền tảng quan trọng, chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, qua đó phát huy tối đa trí tuệ, sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và cả xã hội, đồng thời mở ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.
Xác định rõ đề bài sẽ khuyến khích đổi mới sáng tạo
- Theo ông, làm thế nào để thực sự khuyến khích được đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp?
- Muốn vậy, không gì khác là các cơ quan quản lý cần lắng nghe nhiều hơn, thông qua các hội thảo, tọa đàm, các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia cả trong và ngoài nước, để cập nhật những công nghệ mới, mô hình mới; và phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch để bảo đảm cho những yếu tố mới không xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc được tạo điều kiện cho phát triển.
Đặc biệt, để khuyến khích đổi mới sáng tạo, từng bộ ngành, địa phương và cả doanh nghiệp cần phải đặt ra những đề bài cụ thể. Chẳng hạn, Nhà nước có thể ra đề bài “công nghệ nào để chống hạn mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long?”, kèm theo các cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ tương ứng. Khi đó, chúng ta sẽ tìm kiếm được các giải pháp cụ thể, và đó chính là thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
- Nghị quyết 57 xác định “ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Cụ thể, theo ông, nguồn lực này cần được ưu tiên như thế nào?
- Nghị quyết đã xác định rõ sẽ tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Vì vậy, trước tiên, cần phải tuân thủ đúng yêu cầu của Nghị quyết. Tiếp đến, việc sử dụng nguồn lực quốc gia cũng cần phải có danh mục cụ thể, trong đó cần ưu tiên cho công tác hướng dẫn, đào tạo chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp; đầu tư các phần mềm, chương trình miễn phí để doanh nghiệp dễ tiếp cận. Có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi hơn, thông qua các quỹ đầu tư; miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khi đó sẽ khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Có thể khẳng định, với những chính sách mới, đột phá, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị chính là một cuộc cách mạng cho sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Do đó, chúng tôi đang rất trông đợi các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện theo các yêu cầu, nhiệm vụ được giao để nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống.
- Xin cảm ơn ông!