Mong chờ giải pháp đột phá từ Chiến lược quốc gia về trí thức
GS.TSKH. Viện sĩ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam
Tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học diễn ra mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, trong nửa đầu năm 2025 sẽ rà soát, đánh giá, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giới trí thức trông đợi Chiến lược sẽ đề ra những giải pháp đột phá, trong đó trao quyền tự chủ triệt để và toàn diện cho nhà khoa học.
Nguồn động viên lớn với giới trí thức
Có lẽ chưa bao giờ, giới trí thức, nhà khoa học lại được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt như thời gian gần đây. Bởi, chưa đầy 10 ngày sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), ngày 30.12.2024, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học (Hội nghị).
Cần nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của trí thức, xác định khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, đồng thời đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển, trong đó có các chính sách về trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Giới trí thức cũng đã phát huy được vai trò quan trọng, với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Những đóng góp đó được Đảng, Nhà nước ghi nhận, nêu rõ trong Nghị quyết 57 cũng như bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị, là sự cổ vũ, nguồn động viên rất lớn với giới trí thức.
Đặc biệt, tại Hội nghị, người đứng đầu của Đảng đã trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giới trí thức; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nhất là còn để xảy ra tình trạng "lãng phí chất xám", "bạc màu chất xám", "chảy máu chất xám" và đưa ra được những định hướng cần giải quyết. Cùng với việc Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết 57, những định hướng, giải pháp nêu ra tại Hội nghị là cơ sở quan trọng để chúng ta tin tưởng rằng, thời gian tới, những tâm tư, đề xuất, kiến nghị của giới trí thức sẽ được các cấp ngành cụ thể hóa, để khoa học, công nghệ thực sự phát triển đột phá, và nhà khoa học thực sự là nhân tố then chốt cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trao quyền tự chủ triệt để và toàn diện cho nhà khoa học
Điều chúng tôi - những trí thức đặc biệt ấn tượng và rất trông chờ là tại Hội nghị, Tổng Bí thư chỉ đạo trong nửa đầu năm 2025 sẽ rà soát, đánh giá, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Chiến lược) theo nội dung Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24.11.2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Tổng Bí thư cũng yêu cầu Chiến lược phải phù hợp và hỗ trợ đắc lực chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Đây sẽ là chiến lược quốc gia đầu tiên về đội ngũ trí thức, cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng trong việc sớm đưa chính sách vào cuộc sống, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức vào quá trình phát triển đất nước hướng tới mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045.
Ở góc độ một nhà khoa học, tôi đang đặt rất nhiều kỳ vọng, mong muốn và tin tưởng vào Chiến lược. Đó trước hết phải là Chiến lược mang tính khoa học, được xây dựng dựa trên lấy ý kiến rộng rãi các giai tầng trong xã hội, nhất là giới trí thức, nhà khoa học. Đặc biệt, Chiến lược phải đề ra được những mục tiêu, giải pháp cụ thể, đột phá để phát huy được vai trò của đội ngũ trí thức.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp - bệ đỡ của nền kinh tế, mặc dù chúng ta đã đạt được những kết quả ấn tượng khi từ một nước thiếu lương thực đã vươn lên nhóm 3 nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới, có những giống lúa cho chất lượng gạo ngon nhất thế giới, xuất khẩu nông nghiệp năm 2024 đạt kỷ lục 62,5 tỷ USD…, song chủ yếu vẫn là xuất thô, chế biến sâu chưa phát triển. Nếu chế biến sâu, như với ngành hàng lúa gạo, chúng ta không chỉ có hạt gạo mà còn cám gạo để làm dầu cám rất giá trị, vỏ trấu làm than hoạt tính… và khi đó, giá trị của nông sản không chỉ dừng lại ở 62,5 tỷ USD xuất khẩu. Muốn vậy, chúng ta buộc phải dựa vào khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, hiện nay, trong nông nghiệp đang yếu nghiên cứu cơ bản. Cán bộ nghiên cứu nông nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta có hàng chục viện nghiên cứu, với hàng nghìn cán bộ và mỗi năm phải tự túc 6 tháng tiền lương để làm nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, dù Luật Khoa học và Công nghệ quy định chi 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho khoa học và công nghệ, song thực tế chưa thực hiện được, kể cả có chi được thì việc phân bổ cho nghiên cứu khoa học cũng rất hạn chế.
Mặc dù chúng ta đã áp dụng cơ chế tự chủ, song các nhà khoa học cần được tự chủ toàn diện và triệt để cả về tài chính, tổ chức, nhân sự, hoạt động (trừ nghiên cứu cơ bản cần Nhà nước đầu tư hoàn toàn). Chẳng hạn, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm có 300ha đất, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long có gần 400ha đất. Nếu họ được dùng quỹ đất đó để liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước thì giá trị trên một ha đất đó không phải chỉ có mấy chục triệu, mà sẽ là mấy tỷ đồng, lợi nhuận thu được sẽ quay trở lại đầu tư cho chính viện cũng như trả lương cho nhà khoa học. Hay với các phòng thí nghiệm được đầu tư cả triệu USD nhưng “đắp chiếu”, nếu được liên kết với các doanh nghiệp vốn rất cần phòng thí nghiệm đó, thì lợi nhuận thu được là rất lớn.
Do vậy, điều chúng tôi rất trông đợi là cùng với việc sửa đổi các luật có liên quan theo nội dung Nghị quyết 57, Chiến lược phải thực sự tạo ra những cơ chế mang tính đột phá nhằm trao quyền tự chủ toàn diện và triệt để cho nhà khoa học. Xin nhấn mạnh rằng, nhà khoa học không xin Nhà nước tăng lương, chúng tôi chỉ cần xin cơ chế tự chủ triệt để và toàn diện - đó là môi trường lý tưởng để chúng tôi yên tâm cống hiến.
Cùng với trao cơ chế tự chủ, chúng tôi cũng mong muốn khi làm đề tài cấp Nhà nước phải được khoán đến sản phẩm cuối cùng, thay vì khoán theo từng phần như hiện nay. Với cách chúng ta đang làm, nhà khoa học mất 50 - 70% thời gian để làm thanh quyết toán, trong khi thời gian đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo rất ít, chưa kể có khi phải mất vài ba năm mới được xét cấp kinh phí thì đề tài đã trở nên lạc hậu.
Nhà khoa học sẽ không thể thành công nếu tách rời thực tiễn. Nói cách khác, nhà khoa học cần phải gắn kết với doanh nghiệp, nông dân. Bởi nếu nhà khoa học nghiên cứu đề tài có thể chỉ áp dụng được 5 - 10ha, nhưng khi doanh nghiệp vào cuộc có thể triển khai trên cả triệu ha. Vì thế, Nhà nước cần phát huy vai trò là “tổng đạo diễn”, tạo ra cơ chế để khuyến khích mối liên kết này.