Trao đổi với báo chí chiều 28.9, Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam, thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Thang Văn Thông cho biết, sau một loạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26.5.2023; yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội tại Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đẩy nhanh hoàn thuế cho doanh nghiệp; Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã nhanh chóng, quyết liệt vào cuộc.
Đáng chú ý, tại cuộc làm việc giữa Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách với Tổng cục Thuế và đại diện doanh nghiệp về các nội dung liên quan trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) ngày 8.9.2023, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế đã cam kết trong tháng 9.2023 sẽ có điều chỉnh một số văn bản liên quan để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngày 21.9.2023, Tổng cục Thuế có văn bản gửi Cục Thuế các địa phương, đề nghị xem xét liên quan đề xuất của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam và Chi hội Dăm gỗ Việt Nam là bãi bỏ thuế VAT bằng 0.
Trước đó, ngày 9.8.2023, Tổng cục Thuế có Công điện số 07/CĐ-TCT gửi Cục trưởng Cục Thuế các địa phương về đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Triển khai Công điện số 07, nhiều địa phương đã hoàn thuế cho doanh nghiệp, từ Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Thanh Hóa… Hiện, số tiền hoàn thuế vào khoảng 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số địa phương như Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… vẫn chưa hoàn thuế cho doanh nghiệp. “Chúng tôi đang tích cực làm việc với các Cục Thuế của các địa phương này để đẩy nhanh hoàn thuế”, Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam nhấn mạnh.
Với việc được hoàn thuế 2.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp trong ngành gỗ sẽ có được dòng vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, đơn hàng có thể tốt hơn so với lúc không có vốn do chưa được hoàn thuế, đại diện doanh nghiệp tin tưởng.
Nhìn nhận về triển vọng hoàn thuế cho số tiền hơn 4.000 tỷ đồng còn lại, Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam tin tưởng “hoàn toàn khả quan” bởi đã có thông lệ từ các địa phương.
Trước đó, như Báo Đại biểu Nhân dân đã phản ánh, các doanh nghiệp trong ngành gỗ gặp nhiều khó khăn do không được hoàn thuế số tiền lên tới hơn 6.000 tỷ đồng. Nguyên nhân được chỉ ra là những bất cập tại các Công văn 2124/TCT-TTKT ngày 22.5.2020 và 633/TCT-TTKT ngày 7.3.2022 của Tổng cục Thuế yêu cầu truy xuất đến tận người trồng rừng, đây được cho là quy định gây khó cho doanh nghiệp vì nhiều diện tích rừng trồng không có sổ đỏ, phải xác minh qua nhiều khâu mất rất nhiều thời gian…
Trong Văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngày 14.8.2023, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị xem xét và tháo gỡ vướng mắc trong các văn bản có liên quan, trong đó có yêu cầu truy xuất nguồn gốc đến tận chủ rừng.