Trong bài viết trên tờ Wasington Post gần đây, David M. Smick, chuyên gia tư vấn kinh tế rất có uy tín, tác giả cuốn sách best-seller, “Thế giới không phẳng: những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa nền kinh tế toàn cầu” đưa ra dự báo: đảng nào giành quyền kiểm soát Nhà trắng nhiệm kỳ tới sẽ có thể gạt ra khỏi quyền lực trong ít nhất một thế hệ sau. Ông cho rằng, những thách thức kinh tế mà nước Mỹ cũng như thế giới đang phải đối mặt là nguyên nhân gây nên sự thoái lui này. Những thách thức đó không liên quan đến chính sách thuế hay ngân sách, chủ đề gây tranh cãi giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ hiện nay. Rủi ro nảy mầm từ một điều có tính chất cơ bản hơn, đó là sự khủng hoảng của mô hình toàn cầu hóa.

Từ tháng tư vừa qua, nền kinh tế vốn đã u ám của thế giới còn u ám hơn. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả thế giới đã giảm mạnh. Nên biết xuất khẩu từng là đầu máy chủ yếu tạo nên sức mạnh đưa nền kinh tế Mỹ thoát ra khỏi cuộc suy thoái vào nửa cuối năm 2009 và vẫn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng hiện nay. Gần đây, ngay cả Trung Quốc và Ấn Độ, những nước tưởng như có thể tách ra khỏi sự yếu kém của thế giới công nghiệp, đã trở thành nạn nhân của sự suy giảm thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, vòng đám phán Doha đang tồn tại lay lắt. Thế giới đứng bên bờ vực của cuộc chiến tranh tiền tệ với ít nhất 13 nước bị cáo buộc thao túng đồng tiền của họ so với đôla Mỹ để hưởng lợi về mậu dịch. Trung Quốc vẫn thu được thặng dư thương mại lớn và đã tăng thuế đánh vào ôtô Mỹ để trả đũa việc Washington tăng thuế đối với mặt hàng lốp xe của họ. Chuyên gia phân tích Criton Zoakos của hãng tư vấn kinh tế Leto Research nhấn mạnh, lạm phát tăng của Trung Quốc và các công nghệ chế tạo giúp cắt giảm chi phí dựa trên ứng dụng phần mềm máy tính mới tại Mỹ đang làm cho mô hình toàn cầu hóa hiện nay trở nên “lạc hậu”.
Sự giải phóng các dòng tài chính, kể cả dòng vốn tự do đang bị tấn công trên toàn cầu. Nhiều ngân hàng lớn nhanh chóng bị quốc hữu hóa theo mức độ khác nhau. Xu hướng này được tăng cường bởi các biện pháp điều tiết áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro sau đó. Hiện nay, dòng vốn đầu tư di chuyển qua biên giới khó khăn hơn.
Khu vực đồng euro nằm ở trung tâm của xu hướng phi toàn cầu hóa này. Các ngân hàng châu Âu từng là nguồn sức mạnh cung cấp vốn cho 80% thương mại của các thị trường mới nổi. Còn nay thì những ngân hàng đói vốn này buộc phải đưa dòng tiền về nước và chưa rõ hệ thống ngân hàng của Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc có đủ sức lấp đầy chỗ trống hay không. Khan hiếm nguồn vốn kết hợp với nhu cầu phải tiếp tục giữ vốn của các ngân hàng là hai yếu tố kiềm chế thương mại toàn cầu và thúc đẩy xu hướng phi toàn cầu hóa lên mức độ cao hơn. Kinh tế Mỹ phải vận hành trong những điều kiện như thế, cho nên việc đạt được một mức độ tăng trưởng mạnh mẽ cần thiết để duy trì tỷ lệ việc làm cao khó khăn hơn. Sự gia tăng căng thẳng địa chiến lược do sụp đổ toàn cầu hóa sẽ khiến cho giới đầu tư Mỹ lo ngại và rút lui khỏi môi trường có nhiều rủi ro.
Quá trình toàn cầu hóa bắt đầu từ cuối thập kỷ 1970, tiến triển chậm chạp vào thập kỷ 1980 và đạt mức độ cao nhất sau năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ, dẫn tới việc tăng gấp đôi nguồn nhân lực cho thị trường lao động tự do toàn cầu. Riêng ở Mỹ, toàn cầu hóa đã làm tăng thêm 40 triệu việc làm mới. Nhà phân tích Gary Hufbauer của Viện nghiên cứu Peterson ước tính, mỗi năm nước Mỹ giàu thêm khoảng 1.000 tỷ đôla do toàn cầu hóa thương mại. Trong thời gian này, chỉ số Dow Jones tăng từ 800 năm 1979 lên mức cao nhất là 13.000 vào cuối năm 2007, sau đó giảm dần do khủng hoảng tài chính. Hệ thống giám sát rủi ro hệ thống gần như không hoạt động và bong bóng đã phình to hết cỡ. Còn hiện nay chúng ta đang ở trong một kịch bản trái ngược. Ngân hàng đổ vỡ, điều tiết quá mức, giới đầu tư tránh xa khu vực nhiều rủi ro và không sẵn sàng đổ tiền vào phát triển kinh tế.
Toàn cầu hóa là cỗ máy tạo ra thịnh vượng và đó là lý do các chính phủ trên thế giới đã chi 15.000 tỷ đôla và các ngân hàng trung ương đã tăng thêm 5.000 tỷ trong bảng cân đối của họ để đối phó với khủng hoảng, chủ yếu để cố gắng cứu vãn cỗ máy này. Những nỗ lực đó có vẻ không thành công, toàn cầu hóa tiếp tục đà sụp đổ.
Chắc chắn là lợi ích của toàn cầu hóa không được phân chia công bằng, thế giới đã nếm trải những mặt trái của nó qua cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính 2009 và có nhiều nhóm chống toàn cầu hóa, nhưng nó vẫn là một con gà đẻ trứng vàng. Không chỉ có các nước phát triển, các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là ở châu Á đã được hưởng lợi nhờ sự bùng nổ của tự do mậu dịch và giải phóng nguồn vốn quốc tế. Sự chững lại của mô hình toàn cầu hóa cũng đồng nghĩa với một cú hãm phanh giữ nền kinh tế thế giới trong tình trạng trì trệ và phá hỏng những thành quả mà nó đã tạo ra trong suốt hơn ba thập kỷ qua.