Là một đảng viên, tôi tự hào về Điều 4, Hiến pháp (sửa đổi)
- Chỉ còn nửa tháng nữa, bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) vừa được QH thông qua sẽ có hiệu lực thi hành. Đây là bản Hiến pháp được dư luận cử tri đánh giá là kết tinh trọn vẹn của ý Đảng lòng Dân. Còn với Phó chủ nhiệm, Hiến pháp sửa đổi như thế nào?
- Ngay sau khi được QH thông qua, Hiến pháp (sửa đổi) đã nhận được sự đồng thuận rất cao của dư luận xã hội, của cử tri cả nước. Hiến pháp sửa đổi có rất nhiều quy định mới, tiến bộ và chắc chắn sẽ tạo lập nền tảng pháp lý vững chắc để xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Cá nhân tôi đặc biệt ấn tượng với 2 chế định của Hiến pháp. Một là Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hai là Điều 4 Hiến pháp sửa đổi không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội mà còn nâng tầm vai trò đó bằng việc ghi nhận Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm đối với những quyết định của mình.
- Với tư cách một đảng viên, Phó chủ nhiệm có cảm nhận như thế nào khi Hiến pháp quy định Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình?
- Là một đảng viên có 40 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi tự hào vì Điều 4 Hiến pháp (sửa đổi) đã có những bổ sung hết sức quan trọng về vai trò, quyền và trách nhiệm của Đảng. Bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào để có thể phát huy hiệu quả nhất vai trò của mình thì bên cạnh việc được trao quyền lực phải đi liền với trách nhiệm. Quyền của Đảng là lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội. Nhân dân tin tưởng giao cho Đảng quyền lực này. Và nhân dân hoàn toàn có quyền yêu cầu Đảng phải xứng đáng với niềm tin đó, tức là yêu cầu Đảng phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình, phải gắn bó máu thịt với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân – những người đã trao cho Đảng quyền lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quy định như tại Điều 4 Hiến pháp (sửa đổi) là rất đúng đắn.
- Thực tế thì hơn 80 năm qua, Đảng đã luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, lợi ích của đất nước… thưa Phó chủ nhiệm?
- Đúng là như vậy. Nhưng vì sao Hiến pháp (sửa đổi) lại quy định như vậy? Là vì chính Đảng ta cũng đã khẳng định có một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa biến chất. Một bộ phận không nhỏ này có thể ảnh hưởng đến lợi ích chung, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Vì thế, Điều 4 Hiến pháp (sửa đổi) cũng nêu rõ: các tổ chức Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không ai được đứng trên hay đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật. Đây là nguyên tắc rất quan trọng khi chúng ta đã xác định xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Mặt khác, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân, lãnh đạo đất nước đánh thắng giặc ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và tiến hành thành công công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay. Với sứ mệnh là lực lượng lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội, quyết định của Đảng là hết sức quan trọng, nếu quyết định của Đảng không đúng, thậm chí chỉ cần chưa chín muồi thôi cũng có thể quyết định đến sự phát triển của đất nước. Công lao của Đảng là không thể phủ nhận. Chính vì thế mà ngay từ bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đưa ra lấy ý kiến nhân dân thì gần như tuyệt đại bộ phận nhân dân đều đồng thuận với việc cần tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân dân tin vào Đảng, tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng ta không phải không có lúc đưa ra quyết định sai lầm hay quyết định chưa chín muồi. Ví dụ, quyết định về cải cách ruộng đất hay việc duy trì quá lâu nền kinh tế bao cấp... Tất nhiên, điều này là khó tránh khỏi. Không thể có một cá nhân, một tổ chức nào lúc nào cũng đúng, không bao giờ mắc sai lầm. Vì thế, việc Hiến pháp vừa khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng vừa yêu cầu Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình không những không làm suy giảm vai trò của Đảng mà ngược lại sẽ càng làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng hơn. Bởi lẽ, khi vai trò và trách nhiệm của Đảng được hiến định thì tự bản thân Đảng trước khi đưa ra quyết định cũng sẽ phải nghiên cứu thấu đáo hơn, lắng nghe ý kiến của nhân dân nhiều hơn và như thế sẽ quyết định sáng suốt hơn.
- Khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đưa ra lấy ý kiến toàn dân thì không chỉ người dân mà hầu hết các cán bộ, đảng viên đều đồng thuận với việc quy định trong Hiến pháp “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Trong số 97,59% tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết thông qua Hiến pháp thì đại đa số cũng là đảng viên. Nói như vậy để thấy rằng, không chỉ là nhân dân yêu cầu mà Đảng ta cũng đã tự xác định rất rõ vai trò, trách nhiệm của mình, thưa Phó chủ nhiệm?
- Chính vì thế mà tôi tin rằng, Điều 4 Hiến pháp (sửa đổi) sẽ làm tăng sức mạnh của Đảng. Đó là sức mạnh của một Đảng cầm quyền chân chính, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn đặt lợi ích của nhân dân, lợi ích của đất nước lên hàng đầu – một tổ chức được toàn thể nhân dân tin tưởng giao cho sứ mệnh lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng không đứng trên dân, không đứng trên Hiến pháp và pháp luật mà luôn phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Điều 4 Hiến pháp (sửa đổi) sẽ làm cho Đảng mạnh hơn, sáng suốt hơn và thực hiện tốt hơn sứ mệnh lãnh đạo Nhà nước và xã hội của mình.
Thể chế hóa đầy đủ, toàn diện và sâu sắc nội dung, tinh thần của Hiến pháp là nhiệm vụ quan trọng nhất của QH
- Trở lại với chế định về quyền con người, điều gì khiến Phó chủ nhiệm có ấn tượng đặc biệt về chế định này?
- Tôi ấn tượng vì chế định quyền con người lần đầu tiên được ghi nhận và ghi nhận khá đầy đủ, toàn diện trong Hiến pháp (sửa đổi) lần này. Có thể nói, chương về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân là một trong những điểm tiến bộ của Hiến pháp (sửa đổi). Ngay từ bố cục, việc đưa Chương về Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ vị trí thứ 5 của Hiến pháp năm 1992 thành Chương Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên vị trí thứ 2 trong Hiến pháp (sửa đổi) đã cho thấy QH rất coi trọng quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp (sửa đổi) cũng đưa ra rất nhiều quan điểm mới trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Ví dụ, Điều 14 quy định: ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật. Đây là một bước tiến so với Hiến pháp năm 1992 vì theo Hiến pháp năm 1992, quyền con người được thể hiện thông qua quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp, pháp luật; tức là quyền con người nào không trùng với quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp thì có thể không được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Nhưng với Hiến pháp 2013 thì tất cả các quyền con người, kể cả các quyền chưa được liệt kê trong Hiến pháp cũng vẫn được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.
Hiến pháp 2013 cũng nêu rõ quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật, trong những trường hợp cần thiết chứ không phải là bị hạn chế bằng pháp luật như Hiến pháp năm 1992. Việc hạn chế quyền con người không những phải theo quy định của luật mà luật này còn được định hướng rất rõ là: chỉ trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Đây sẽ là nguyên tắc nền tảng đối với các cơ quan nhà nước nếu muốn hạn chế một quyền nào đó của con người, quyền của công dân thì phải được QH xem xét, ban hành bằng một đạo luật chứ không phải bằng các văn bản dưới luật như Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ. Điều này chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng một số bộ, ngành còn tùy tiện trong việc ban hành các văn bản làm hạn chế một số quyền của con người, quyền của công dân như vừa qua, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện các quyền con người, quyền công dân đã được hiến định.
- Có được một bản Hiến pháp (sửa đổi) như hiện nay là một thành công lớn của nhiệm kỳ QH Khóa XIII nhưng quan trọng hơn nữa là làm thế nào để đưa Hiến pháp, đặc biệt là những nội dung mới, tiến bộ vào đời sống, thưa Phó chủ nhiệm?
- Có lẽ cần nói rõ, Hiến pháp là văn bản chính trị pháp lý mang tính phổ quát và có ý nghĩa lâu dài nên không phải cứ đến thời điểm Hiến pháp có hiệu lực thi hành thì mọi quy định của Hiến pháp đều thực hiện được ngay. Các nội dung của Hiến pháp phải được nghiên cứu thể chế hóa thành các đạo luật, các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều kiện của từng giai đoạn phát triển. Ở đây có vai trò rất lớn của UBTVQH, các Ủy ban của QH và các ĐBQH.
Trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, các Ủy ban của QH là những người cọ xát nhiều nhất với các nội dung của Hiến pháp, nhất là nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban mình. Ví dụ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, hơn ai hết phải là cơ quan thẩm thấu đầy đủ và sâu sắc nhất tinh thần, nội dung của Hiến pháp về văn hóa, giáo dục, chăm sóc và bảo vệ thanh thiếu niên nhi đồng như thế nào, tạo mọi điều kiện cho công dân có quyền được học tập ra sao, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa là như thế nào... để tuyên truyền, phổ biến cho cử tri, cho người dân và vận dụng trong quá trình xây dựng, thẩm tra các dự án luật, giám sát việc thực hiện của các cơ quan Nhà nước. Với các Ủy ban khác cũng vậy. Các ĐBQH, đặc biệt là các đại biểu chuyên trách của các Ủy ban, các Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố phải phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp và đưa hiến pháp vào đời sống, đồng thời phải nhuần nhuyễn tư tưởng, tinh thần của Hiến pháp trong quá trình hoạt động của mình.
- Có thể thấy, thể chế hóa toàn diện và sâu sắc tư tưởng của Hiến pháp là nhiệm vụ quan trọng của QH trong thời gian tới, thưa Phó chủ nhiệm?
Tôi cho đó là nhiệm vụ quan trọng nhất của QH nhưng cũng không nên nóng vội. Việc ban hành các đạo luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung các đạo luật hiện hành để thể chế hóa đầy đủ, toàn diện và sâu sắc nội dung, tinh thần của Hiến pháp vừa phải nhanh, kịp thời nhưng quan trọng hơn là phải bảo đảm chất lượng. Có những nội dung rất mới, rất tiến bộ đã được ghi nhận trong Hiến pháp lần này nhưng cũng không phải cứ Hiến pháp có hiệu lực là đã có thể triển khai được ngay mà phải có lộ trình, có bước đi chắc chắn. Vì thế, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH trong thời gian tới cũng cần cân nhắc, xác định rõ những đạo luật nào cần phải ưu tiên hoàn thiện trước, những đạo luật nào có thể cần thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và chín muồi hơn...
- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!