Xem xét chế độ, chính sách cho lực lượng gián tiếp cùng tham gia phòng chống dịch

- Thứ Hai, 29/05/2023, 16:29 - Chia sẻ

Tại phiên họp toàn thể sáng nay, 29.5, các ĐBQH đoàn Hà Giang đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm xoay quanh nhiều giải pháp nhằm quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch Covid-19; xem xét, bổ sung chế độ chính sách và tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với đội ngũ lái xe, hành chính, kế toán và cán bộ khác trong hệ thống y tế dự phòng…

Hướng dẫn xác lập sở hữu toàn dân đối với những tài sản tài trợ trong phòng, chống dịch

Tham gia ý kiến, ĐBQH Tráng A Dương (Hà Giang) đánh giá cao Báo cáo của Đoàn giám sát về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Báo cáo đã tổng hợp khách quan, giúp đại biểu có thông tin toàn diện.

Góp ý về những khó khăn trong sử dụng nguồn lực trong phòng chống dịch, đại biểu Tráng A Dương cho rằng: Công tác tiêm chủng vaccine không chủ động nguồn vaccine nên địa phương không chủ động được kế hoạch để tổ chức thực hiện, dẫn đến khó khăn trong huy động nguồn lực.

Có chế độ, chính sách cho lực lượng gián tiếp cùng tham gia phòng chống dịch  -0
Toàn cảnh phiên họp toàn thể sáng 29.5

Mặt khác, việc phối hợp tiêm các loại vaccine không cụ thể, nhất quán cũng gây khó khăn cho công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện chỉ định mũi, tiêm vaccine còn phụ thuộc vào số lượng vaccine có chứa theo minh chứng về khoa học. Đồng thời, việc tiếp cận vaccine còn chậm, muộn nên nhiều người sau khi tiêm mũi 1 mà không có vaccine để tiêm mũi 2…

Bên cạnh đó, đại biểu Tráng A Dương cũng chỉ rõ những khó khăn trong việc xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng chống dịch. Trong điều kiện dịch bệnh cấp bách, hầu hết trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch phải được phân bổ ngay khi tiếp nhận cho các cơ sở y tế để kịp thời sử dụng phục vụ điều trị cho người bệnh, tránh để dịch bệnh lây lan bùng phát trong cộng đồng. Tuy nhiên, các tài sản trên đều chưa thực hiện được thủ tục xác lập sở hữu toàn dân.

Có chế độ, chính sách cho lực lượng gián tiếp cùng tham gia phòng chống dịch  -0
ĐBQH Tráng A Dương phát biểu tại phiên họp toàn thể sáng ngày 29.5

Trên thực tế, nhiều trường hợp nhà tài trợ không cung cấp giá trị hàng tài trợ hoặc giá trị tài trợ trong biên bản tài trợ có sự chênh lệch rất lớn so với gia mặt hàng tương đương được công bố, công khai trên thị trường. Điều này, dẫn đến sự khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản xác lập sở hữu toàn dân, do hiện nay chưa có hưởng dẫn cụ thể trong việc xác định giá trị hàng hóa tại trợ.  

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng trên, đại biểu Tráng A Dương đề nghị Quốc hội quy định rõ Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn ngay việc xác lập sở hữu toàn dân đối với những tài sản tài trợ, cho, biểu tặng trong phòng chống dịch Covid-19 để quản lý, sử dụng, nhất là đối với các cơ sở y tế, để xác định tinh giá dịch vụ thanh toán BHYT. 

Khen thưởng kịp thời gương tiêu biểu trong phòng chống dịch

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Hoàng Ngọc Định đến từ Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cũng chỉ rõ những hạn chế, bài học kinh nghiệm cho công tác ứng phó với dịch Covid-19 vừa qua. Đó là đòi hỏi phải có kế hoạch đồng bộ, thống nhất trong việc huy động, điều động nhân lực; phân công nhiệm vụ “đúng người, đúng việc” để mỗi cá nhân tham gia phòng chống dịch phát huy tốt nhất năng lực, sở trường và tham gia phòng chống dịch hiệu quả nhất; chế độ chính sách cho lực lượng tham gia quản lý còn chậm, chưa đẩy đủ; chưa khen thưởng kịp thời những tấm gương tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch…

Có chế độ, chính sách cho lực lượng gián tiếp cùng tham gia phòng chống dịch  -0
ĐBQH Hoàng Ngọc Định phát biểu tại phiên họp sáng ngày 29.5

Do đó, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Chính phủ và các địa phương tiếp tục rà soát để đề nghị vinh danh khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc khi tham gia công tác phòng chống dịch. Đại biểu cho rằng, đây là quy định hết sức phù hợp, đặc biệt là trong điều kiện đất nước vừa trải qua đại dịch chưa từng có trong lịch sử với nhiều bài học tín hiệu về ứng phó với các tình huống dịch bệnh, các bệnh thảm họa, thiên tai, chiến tranh, trong đó có bài học về chủ động.

Đề cập đến chế độ, chính sách cho lực lượng gián tiếp cùng tham gia phòng, chống dịch, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho biết: Vào những thời điểm cam go nhất của các đợt bùng phát dịch, cùng với đội ngũ cán bộ y tế trực tiếp nơi tuyến đầu, đội ngũ viên chức ở các bộ phận gián tiếp cùng tham gia vào công tác phòng chống dịch Covid -19, như: Bộ phận lái xe thực hiện nhiệm vụ lái xe chở  đội truy vết, phóng viên truyền thông đi vào các vùng dịch, khu cách ly y tế tập trung để  điều tra, truy vết; bộ phận tài chính - kế toán trực tiếp thu phí xét nghiệm tại đơn vị và các khu cách ly y tế tập trung; phục vụ công tác hậu cần… đều làm việc không kể ngày đêm, góp phần thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 .

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05 về việc bổ sung và tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và cán bộ y tế tuyến cơ sở lên mức 100%. Song trong nghị định, không có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng làm việc gián tiếp tham gia phòng chống dịch. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tổ chức hữu quan xem xét, bổ sung chính sách và tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với đội ngũ lái xe, hành chính, kế toán và cán bộ khác trong hệ thống y tế dự phòng nhằm bảo quyền lợi, tạo sự công bằng giữa các lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Bài và ảnh: Trọng Hiếu- Hồ Long
#