Tách bạch luồng hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử

- Thứ Bảy, 15/06/2024, 14:21 - Chia sẻ

Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới bền vững là một trong những vấn đề được đại biểu đặt ra chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Kỳ họp thứ Bảy. Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng cho biết, để kiểm soát việc thống lĩnh thị trường các doanh nghiệp nước ngoài, Bộ Công Thương dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hải quan với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại biên giới, theo đó sẽ tách bạch giữa luồng hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, đối với người tiêu dùng Việt, thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng, rủi ro trong vấn đề thanh toán. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam, ngoài việc phải đối mặt với khó khăn trong khâu logistics quốc tế, thì hiện vẫn còn loay hoay do khó khăn về ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, thanh toán quốc tế.

Nêu vấn đề trên, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để quản trị tốt rủi ro, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt trong thương mại điện tử xuyên biên giới, góp phần thúc đẩy loại hình thương mại này phát triển bền vững.

Tách bạch luồng hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử -0
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận thực tế đại biểu nêu, đồng thời cho biết, để kiểm soát được hàng nước ngoài ồ ạt thống lĩnh thị trường, thời gian qua Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp và người sản xuất trong nước cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt trên môi trường điện tử và thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu trực tuyến. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, nhất là huy động sự vào cuộc của lực lượng quản lý thị trường trên cả nước.

Thời gian tới, để kiểm soát việc thống lĩnh thị trường các doanh nghiệp nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hải quan với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại biên giới, theo hướng sẽ tách bạch giữa luồng hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử. Đồng thời, bỏ quy định về miễn thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu đối với các hàng có giá trị nhỏ để kiểm soát chặt chẽ, chống thất thu thuế trong nhóm hàng hóa này. Có cơ chế, chính sách khuyến khích và ràng buộc các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với hàng ngoại nhập; đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, tăng cường công tác kiểm tra. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng xuất khẩu trực tuyến qua biên giới.

“Bộ sẽ đề xuất Chính phủ có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế cho doanh nghiệp để xây dựng các kho bãi, trung tâm logistics ở khu vực biên giới; với các địa phương, chúng tôi cũng khuyến cáo dành quỹ đất và có khoản đầu tư hỗ trợ về hạ tầng cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ tiếp cận với công nghệ thông qua các đề tài khoa học để giúp cho các doanh nghiệp có thể hội nhập tốt hơn; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các nước”, Bộ trưởng cho biết.

Nguyễn Vũ