Sớm ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA ở địa phương

- Chủ Nhật, 16/06/2024, 15:29 - Chia sẻ

Việc khai thác hiệu quả các FTA Việt Nam tham gia ký kết đã góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao trong những năm qua. Nhưng, quá trình thực hiện cũng cho thấy một số tồn tại. Nêu vấn đề này tại phiên chất vấn với lĩnh vực công thương tại Kỳ họp thứ Bảy, nhiều đại biểu đề nghị Bộ Công thương triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó sớm ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA ở địa phương.

Các FTA đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu

Những năm qua, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, hoạt động xuất khẩu nói riêng, công tác kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế về kinh tế nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao, cán cân thương mại tích cực, duy trì xuất siêu liên tục và tăng dần trong nhiều năm, góp phần ổn định cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ thực hiện chính sách tỷ giá, ngoại hối; tạo việc làm; nâng cao năng lực sản xuất, trình độ quản lý của doanh nghiệp.

Đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu thời gian qua là việc triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 Hiệp định và 1 khung khổ kinh tế (Khung khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương - IPEF).

Ghi nhận các kết quả từ thực hiện các FTA, song tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương tại Kỳ họp thứ Bảy, các ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông), Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên)... cho rằng, khi thực hiện các FTA, hàng hóa Việt Nam sẽ đối mặt nhiều hơn với các biện pháp phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật, phi thuế quan của các nước. Cùng với đó là tình hình diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới cũng gây bất lợi cho vận tải hàng hóa quốc tế. Dịch vụ logistics và năng lực vận tải trong nước còn hạn chế, phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài nên cước vận tải tăng cao, làm giá hàng hóa tăng theo, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Phản ánh thực tế nêu trên, các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững trước mắt cũng như dài hạn.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu rõ hơn những quy định của các FTA Việt Nam đã là thành viên để có thể khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định này. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đề xuất với cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định phù hợp với các diễn biến thực tế và kinh nghiệm quốc tế.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tỷ trọng xuất khẩu trong tổng kim ngạch, Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tạo nguồn hàng chất lượng cao ổn định, giá cả cạnh tranh, thúc đẩy các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn thực hiện kết nối, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp trong nước để phát triển những ngành sản xuất này.

“Đa dạng hóa hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác ưu đãi các FTA phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử, tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định mới ở những khu vực còn nhiều tiềm năng; hỗ trợ thông tin, cảnh báo và hướng dẫn doanh nghiệp có thể ứng phó với những vụ kiện về phòng vệ thương mại của nước ngoài một cách hiệu quả”, Bộ trưởng khẳng định.

Nâng cao chất lượng nhân lực ở địa phương

Ghi nhận những nỗ lực của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong đàm phán, ký kết các FTA và triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định, song các đại biểu cũng nêu rõ, trước sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay, nhiều FTA đưa ra những yêu cầu khắt khe với hàng hóa xuất khẩu, trong đó có yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ các doanh nghiệp trong nước cũng như việc triển khai hiệu quả, thực chất các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp, trong đó có vai trò quan trọng của chính quyền địa phương.

Nêu vấn đề này, ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các địa phương, cũng như bảo đảm các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu để khai thác hiệu quả các FTA.

Khẳng định hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, để khai thác hiệu quả các FTA "suy cho cùng vấn đề nằm ở con người, phải có con người có hiểu biết, có kỹ năng, có nghiệp vụ thực thi thì lợi ích mới thuộc về chúng ta". Do vậy, mỗi ngành, mỗi địa phương đều phải có kế hoạch, chiến lược để tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ của mình thạo về kỹ năng đàm phán và hiểu được các quy định của pháp luật nói chung, nhất là pháp luật quốc tế cũng như là các FTA.

Với trách nhiệm của ngành công thương, Bộ trưởng khẳng định, sẽ tiếp tục xây dựng chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ của các ngành, các địa phương tham gia hội nhập. Hiện nay, tài liệu đăng trên cổng thông tin điện tử, có tài liệu in và tổ chức các lớp tập huấn định kỳ hàng quý, đặc biệt tổ chức giao ban với các thương vụ nước ngoài để cập nhật thông tin về những chính sách mới của các nước sở tại.

Sớm ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA ở địa phương -0
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) chất vấn Ảnh: Hồ Long

Trong phát biểu kết luận phiên chất vấn với lĩnh vực công thương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc về sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện; chuẩn bị các điều kiện cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương... Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu cụ thể về việc trong năm 2024 này, phải ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện FTA tại các địa phương.

Lê Bình