Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH và một số công trình quan trọng quốc gia:

Phân cấp cho địa phương phải bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án

- Thứ Năm, 21/03/2024, 18:02 - Chia sẻ

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, việc áp dụng các cơ chế đặc thù được Quốc hội quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và một số Nghị quyết của Quốc hội về một số công trình trọng điểm quốc gia đã phát huy hiệu quả rõ rệt, thậm chí có thể đo đếm được. Tuy nhiên, thực tế cũng đã phát sinh một số vướng mắc, đòi hỏi phải kịp thời hướng dẫn, xử lý để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù. 

Phó Chủ tịch Quốc hôi Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc

Giảm đáng kể thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng

Một trong những nội dung được các thành viên Đoàn giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá tiền tệ, hỗ trợ Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và một số nghị quyết của Quốc hội về một số công trình trọng điểm quốc gia” quan tâm khi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ là việc tổ chức thực hiện cơ chế đặc thù được quy định tại các nghị quyết này. 

Báo cáo với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình). Quy định này đã có nhiều tác động trong thực tiễn, đặc biệt đã giúp rút ngắn trình tự, thủ tục, giảm thời gian lựa chọn nhà thầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đồng thời, song song các thủ tục đầu tư. Nhờ vậy, sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, chỉ sau khoảng 6 tháng đã phê duyệt dự án; sau 1 năm đã phê duyệt thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu, bàn giao mặt bằng đủ điều kiện khởi công.

Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Giao thông Vận tải, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ
Quang cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Giao thông Vận tải, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ

Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng quy định, trong 2 năm 2022 và 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình. Với cơ chế đặc thù này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, thời gian thực hiện các thủ tục được rút ngắn khoảng 10 tháng so với quy trình thông thường; các nhà thầu chủ động được nguồn cung và tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá khi triển khai đồng loạt.

Cơ chế đặc thù đáng chú ý trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 là trong hai năm 2022 và 2023 cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân cấp cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình, trên cơ sở đã phát huy tối đa năng lực của Bộ chủ quản. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, thực tiễn triển khai cơ chế này ở một số địa phương đã cho thấy chính quyền các cấp chủ động huy động nguồn lực của địa phương, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh một số thủ tục đầu tư xây dựng. “Đây cũng là cơ hội để nâng cao năng lực quản lý, thực hiện dự án của các địa phương”, Bộ trưởng nhận định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đánh giá cao việc ngành giao thông vận tải đã khởi công, hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều dự án quan trọng trong 2 năm vừa qua. Việc triển khai thực hiện vốn đầu tư cho các dự án giao thông từ Chương trình theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và một số dự án giao thông trọng điểm đã thực sự phát huy hiệu quả. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, kết quả này có đóng góp một phần bởi áp dụng 3 cơ chế đặc thù được Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định, cũng như cơ chế quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Băn khoăn về năng lực của ban quản lý dự án ở địa phương

Dù vậy, tại báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cũng thẳng thắn chỉ ra, do lần đầu thực hiện cơ chế đặc thù được phân cấp thực hiện các dự án lớn, nên một số địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn lúng túng, đặc biệt là các dự án sử dụng nhiều loại nguồn vốn (từ nguồn ngân sách trung ương, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, nguồn vốn địa phương). Địa phương cũng không có đủ biên chế khi triển khai đồng thời nhiều dự án, dẫn đến tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu rõ, công tác di dời đường điện cao thế từ 220kV trở lên phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục. Trong khi đó, các chủ đầu tư thuộc địa phương chưa có kinh nghiệm về tính chất đặc thù chuyên ngành nên thời gian thực hiện phải kéo dài. Ngoài ra, đơn giá bồi thường đối với đất thổ cư tại một số địa phương tăng cao hơn so với thời điểm duyệt chủ trương đầu tư dẫn đến tăng chi phí giải phóng mặt bằng, một số dự án có nguy cơ phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu tại cuộc làm việc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu tại cuộc làm việc

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội và căn cứ vào khả năng tổ chức thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2022/QĐ-CP phân cấp cho 10 địa phương làm cơ quan chủ quản. Các địa phương cũng giao cho Ban quản lý dự án của địa phương làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, các ban quản lý này đa số chưa thực hiện được các dự án cao tốc nên chưa đủ năng lực triển khai. Vậy trước thực tế này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã triển khai những giải pháp nào để bảo đảm năng lực của các ban quản lý dự án được giao làm chủ đầu tư, giúp họ thực hiện đúng quy định pháp luật về xây dựng và đấu thầu, từ đó kiểm soát được chất lượng thi công của các dự án? 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn băn khoăn về năng lực thực hiện của ban quản lý dự án địa phương
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn băn khoăn về năng lực thực hiện của ban quản lý dự án địa phương

Trả lời câu hỏi nêu trên của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho rằng, nếu tất cả các dự án giao thông vận tải thuộc Chương trình đều do Bộ Giao thông Vận tải triển khai thì sẽ khó khả thi. Việc phân cấp cho một số địa phương đã giúp nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, các dự án nhìn chung đều bảo đảm tiến độ. Một số địa phương lúng túng trong thời gian đầu triển khai đều được Bộ trực tiếp hỗ trợ theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. “Với trách nhiệm của bộ quản lý ngành, Bộ Giao thông Vận tải luôn hỗ trợ các địa phương về mặt kỹ thuật khi sau khi nhận hồ sơ của địa phương gửi lên. Bộ cũng tổ chức hội nghị với 38 tỉnh, thành phố hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai thực hiện các dự án cao tốc, dự án giao thông áp dụng 3 cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép thực hiện trong Nghị quyết số 43/2022/QH15”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy giải trình vấn đề Đoàn giám sát đưa ra
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy giải trình vấn đề Đoàn giám sát đưa ra

Báo cáo bổ sung về tác động của 3 cơ chế đặc thù được Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, thực tiễn triển khai đã phát huy hiệu quả rõ rệt, thậm chí có thể đo đếm được. Bên cạnh việc giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng như báo cáo của Bộ đã nêu, việc triển khai chỉ định thầu đã giúp lựa chọn được những nhà thầu có năng lực thực sự; giúp điều tiết giảm 5% vốn đầu tư của dự án… “Các cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án thuộc Nghị quyết số 43/2022/QH15 hay một số dự án quan trọng quốc gia đã cho thấy hiệu quả trong thực tiễn. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu, trình Chính phủ cho phép áp  dụng rộng rãi hơn”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết. 

Ghi nhận tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý một số vấn đề như, việc phân bổ vốn đầu tư của Chương trình chậm, danh mục đề xuất phải thay đổi, điều chỉnh nhiều lần; việc áp dụng các cơ chế đặc thù có nơi, có dự án còn khó khăn, vướng mắc… Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại toàn bộ các dự án quan trọng quốc gia, xác định các khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ; đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội cần khẩn trương đánh giá, chuẩn bị, kịp thời báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy tới.

Thanh Hải
#