Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục

Nghiên cứu, có giải pháp phù hợp với đơn vị sự nghiệp công lập

- Thứ Bảy, 15/06/2024, 14:52 - Chia sẻ

Qua làm việc với các bộ thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục, Đoàn giám sát của UBTVQH “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” nhận thấy, các Bộ về cơ bản đều đạt được mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021 - 2025 việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân do phần lớn đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều điều kiện thuận lợi đã được sắp xếp, tổ chức lại trong giai đoạn trước đó.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu	Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, từ năm 2018 đến nay, chưa có cơ sở giáo dục đại học nào thực hiện sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể theo chủ trương tại Nghị quyết 19-NQ/TW. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đề xuất, kiến nghị, phương hướng cụ thể.

Đối với giáo dục mầm non, phổ thông, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được thực hiện bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật; linh hoạt nhưng vẫn có tính kế thừa, ổn định lâu dài và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tạo thuận lợi cho nguời dân cũng như nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, việc quản lý ngành, lĩnh vực gắn với địa giới hành chính còn thiếu tính khoa học, chưa gắn với quy mô phát triển dân số dẫn đến tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn; một số địa phương thu gọn các điểm trường, sáp nhập trường một cách cơ học, hiệu quả chưa cao; sau khi sắp xếp, quy hoạch lại các điểm trường, tại một số địa phương chưa tạo thuận lợi cho học sinh đi học...

Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt kết quả cao, trong đó, vai trò của quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 được thể hiện rất rõ qua kết quả này. Trước những khó khăn của các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế, quản lý, sử dụng tài sản công, có chính sách đặc thù với các cơ quan báo chí trọng điểm làm nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc chuyển hầu hết các nhà xuất bản sang đơn vị sự nghiệp có thu chưa thực hiện được do chưa có phương án hữu hiệu. Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực cần tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp, phương án phù hợp để thực hiện chủ trương của Nghị quyết 19-NQ/TW.

Ngoài ra, công nghệ thông tin là lĩnh vực xã hội hóa cao, hoạt động dịch vụ chủ yếu do các doanh nghiệp thực hiện theo cơ chế thị truờng. Do đó, Bộ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả đạt được trong việc xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công đối với lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực bưu chính, chỉ còn nhóm dịch vụ bưu chính hệ đặc biệt phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước là thuộc danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, các dịch vụ khác đã chuyển sang cơ chế thị trường với nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính; lĩnh vực viễn thông đã thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy đạt hiệu quả cao. Đề nghị Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả đã đạt được đối với lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc: Không thể giảm số trường lớp và giáo viên vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục

Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được thực hiện cơ bản tốt, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW. Tính đến 31.12.2023, tổng số các đơn vị sự nghiệp công lập là 57 (giảm 10 đơn vị so với trước khi sắp xếp, đạt 14,9%); tinh giản biên chế cũng đạt mục tiêu đề ra; chi thường xuyên giảm trên 20%. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW thời gian tới sẽ gặp khó khăn do có một số đơn vị đặc thù, và Bộ đề nghị giữ lại, không tiến hành sắp xếp.

Đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo trên cả nước thuộc phạm vi quản lý của ngành, giai đoạn 2015 - 2021 tổng số đơn vị sự nghiệp công lập giảm gần 9,88%. Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hướng dẫn sắp xếp cơ sở, đội ngũ nhà giáo, tuy nhiên, giai đoạn tới dự báo việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi, nếu tiếp tục thực hiện giảm 10% đầu mối, 10% biên chế và 10% ngân sách là rất khó, trong khi dân số mỗi năm tăng gần 1 triệu, số học sinh tăng 400 - 500 nghìn. Không thể giảm số trường, lớp và giáo viên vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Mặc dù khuyến khích xã hội hóa giáo dục, nhưng chỉ có thể thực hiện ở các đô thị, còn ở vùng sâu, vùng xa thì khó, nhất là trong bối cảnh triển khai giáo dục mầm non bắt buộc (phổ cập và miễn phí) và tiến tới thực hiện giáo dục bắt buộc đối với tiểu học và THCS… Do vậy, qua tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Bộ Chính trị nghiên cứu để bảo đảm tiếp cận công bằng đối với giáo dục.

Về sắp xếp các cơ sở trường, lớp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản hướng dẫn để vừa thực hiện mục tiêu tinh giản bộ máy, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục, đúng với tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương: Nghiên cứu xem xét sửa đổi Luật Báo chí

Từ năm 2015 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành tinh giản trên 19% biên chế viên chức. Thực tế, chuyên ngành thông tin và truyền thông, đặc biệt là báo chí - xuất bản là lĩnh vực đặc thù, rất khó có căn cứ định lượng để xác định số lượng người làm việc cũng như khó đánh giá chất lượng. Bộ đã kiến nghị và báo cáo Chính phủ, đồng thời xin ý kiến Bộ Nội vụ về vấn đề này.

Liên quan đến quy hoạch báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách, quy hoạch, trong đó có Quy hoạch mạng lưới báo chí toàn quốc. Kết quả giảm số lượng lớn cơ quan báo chí là nhờ có sự chuẩn bị từ sớm, có sự thống nhất, đồng thuận cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ. Và sơ bộ, sau sắp xếp quy hoạch cơ quan báo chí đã ổn định về tổ chức và bộ máy, thấy rõ vai trò của cơ quan chủ quản trong triển khai đúng định hướng của cơ quan nhà nước.

Trước những khó khăn của cơ quan báo chí, có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, sau đại dịch Covid-19, tất cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nguồn thu từ quảng cáo gần như sụt giảm. Thứ hai, sự phát triển của khoa học công nghệ, các nền tảng xã hội phát triển nên các cơ quan báo chí có sự cạnh tranh.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận định các khó khăn, vướng mắc, chủ động tham mưu trình Chính phủ hỗ trợ cơ quan báo chí nâng cao hiệu quả thông tin và truyền thông, phục vụ nhiệm vụ chính trị; tăng cường truyền thông chính sách; giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện đặt hàng - đây là những biện pháp hỗ trợ trực tiếp nhất cho cơ quan báo chí. Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị Bộ Tài chính đề xuất mức thuế hỗ trợ cho các cơ quan báo chí; đồng thời báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội nghiên cứu xem xét sửa đổi Luật Báo chí.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông: Quan tâm đến tính đặc thù của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật

Về quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ xem xét, ký ban hành trong thời gian tới.

Nghiên cứu, có giải pháp phù hợp với đơn vị sự nghiệp công lập -0

Đối với việc sắp xếp các chức danh quản lý, hiện đã tiến hành phân cấp, do địa phương quyết định, Bộ chỉ hướng dẫn khi địa phương yêu cầu. Về cắt giảm biên chế, từ giai đoạn 2021 - 2025, Bộ đã tinh giản 603 chỉ tiêu, bảo đảm 10,15% và vượt mục tiêu của Nghị quyết 19-NQ/TW.

Theo phân cấp, việc quyết định sáp nhập các đơn vị trong tỉnh, thành phố là do tỉnh, thành phố quyết định. Bộ cũng đã có hướng dẫn cụ thể về chuyên môn để các tỉnh, thành phố tiến hành sáp nhập các trường, đơn vị nghệ thuật, trong đó nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra sau khi sáp nhập để các địa phương có quyết định tùy vào điều kiện thực tế. 

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc  	Ảnh: Hồ Long
Các đại biểu tham dự cuộc làm việc. Ảnh: Hồ Long

Để thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết 19-NQ/TW cần sự đồng lòng, dốc sức của lãnh đạo các địa phương, các cơ quan Trung ương, trong đó cần quan tâm đến tính đặc thù của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để có giải pháp phù hợp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp giải quyết vướng mắc về mặt pháp lý để có nguồn nhân lực chất lượng, phát triển đồng đều, phục vụ xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong giai đoạn tới. 

Minh Trang thực hiện