Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Đồng Nai

Làm rõ trách nhiệm địa phương và cơ quan quản lý hạ tầng

- Thứ Hai, 15/04/2024, 16:37 - Chia sẻ

Từ năm 2009 - 2023, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tại Đồng Nai diễn biến phức tạp, lĩnh vực đường bộ xảy ra hơn 8.000 vụ tai nạn, làm hơn 5.300 người chết và bị thương gần 6.500 người. Phân tích con số này, Đoàn giám sát đề nghị Đồng Nai làm rõ nguyên nhân số vụ tai nạn tăng cao, đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm của địa phương để xóa bỏ những “điểm đen” giao thông.

Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm được trao đổi tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND tỉnh Đồng Nai.

Chậm đầu tư, hạ tầng không bảo đảm

Đồng Nai là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, là cửa ngõ của vùng Đông Nam bộ với nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch đi qua. Đây cũng là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển kinh tế của khu vực phía Nam nên nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa trên tuyến đường bộ rất lớn.

Làm rõ trách nhiệm địa phương và cơ quan quản lý hạ tầng
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Đại tá Trần Anh Sơn cho biết, từ năm 2009 đến 2023, tình hình TTATGT trên địa bàn cơ bản được duy trì. Tai nạn giao thông giảm dần theo từng năm, đặc biệt là số người chết. Qua công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, lực lượng chức năng đã phát hiện 40 trường hợp xe mô tô không rõ nguồn gốc và 75 bộ hồ sơ đăng ký xe giả, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Theo Đại tá Trần Anh Sơn, bất cập lớn trong giao thông ở Đồng Nai là hệ thống hạ tầng giao thông không bảo đảm, chậm được đầu tư. Là tỉnh công nghiệp, song nhiều tuyến đường trên địa bàn nhỏ hẹp, chưa có dải phân cách, chưa đủ hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu. Nhiều dự án trọng điểm về giao thông chậm tiến độ. Công tác tuyên truyền pháp luật giao thông chưa thực sự được chú trọng. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông chưa chặt chẽ, năng lực của một số cán bộ còn hạn chế.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ, cao tốc không bảo đảm chất lượng, gây mất an toàn giao thông. Cụ thể, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn nhiều vị trí chưa có đầy đủ vạch sơn, biển báo, thiếu hệ thống chiếu sáng; mái ta luy cầu vượt bị mưa lớn xói trôi đất tràn vào nhà dân. Tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 51 có nhiều vị trí xuống cấp; còn 3 nút giao phức tạp, thường xuyên ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Tuyến quốc lộ 20 chưa có dải phân cách cứng.

Làm rõ trách nhiệm địa phương và cơ quan quản lý hạ tầng
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát thực tế một số các nút giao thông phức tạp tại Đồng Nai

Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo kiến nghị, cần có quy định phối hợp giữa địa phương và đơn vị quản lý các tuyến quốc lộ, đường cao tốc. Vì thời gian qua, công tác phối hợp chưa kịp thời, chặt chẽ, nhiều vấn đề địa phương kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. Đồng thời, quy định trách nhiệm trong xử lý an toàn giao thông đường bộ trên các quốc lộ để làm rõ trách nhiệm địa phương và cơ quan quản lý hạ tầng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường đề nghị, cần cấu trúc hệ thống pháp luật, phân cấp mạnh mẽ, quyết liệt trong quản lý giao thông. Qua đó, cơ quan chức năng các địa phương có thể bố trí kinh phí, cân đối nguồn lực để đầu tư xây dựng, xử lý các bất cập trên những tuyến đường qua địa bàn quản lý. Đối với việc đầu tư vào các tuyến đường cao tốc, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị cần nghiên cứu và bảo đảm mọi phía đều có ít nhất 3 làn đường và 1 làn dừng khẩn cấp, cũng như phải có dải phân cách cứng ở giữa. Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh cần quan tâm và kiến nghị các chế độ, chính sách để bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông tại cơ sở.

Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng

Đánh giá cao các giải pháp xử lý các "điểm đen" tai nạn giao thông ở Đồng Nai, đặc biệt việc bố trí camera giám sát tại các mỏ đá và bến cảng là "điểm sáng" trong việc bảo đảm an toàn giao thông và cần tiếp tục mở rộng phạm vi áp dụng, song Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, tình trạng vi phạm TTATGT còn cao. Mặc dù số vụ tai nạn giao thông đã giảm nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn và còn nhiều "điểm đen" chưa được xử lý triệt để.

Giải trình nội dung này, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm TTATGT do 5 yếu tố. Đó là xuất hiện bất cập trong thực thi một số nghị định, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông; hạn chế từ hạ tầng giao thông; bất cập khi tổ chức giao thông; ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông; việc xử lý vi phạm trên lĩnh vực giao thông. Theo Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, nếu xử lý tốt 5 vấn đề nêu trên có thể góp phần bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn.

Ghi nhận công tác bảo đảm TTATGT tại Đồng Nai đã có nhiều điểm mới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị, các cơ quan chức năng của Đồng Nai tiếp tục làm rõ nguyên nhân của hạn chế trong chính sách, pháp luật, hạ tầng giao thông tác động đến việc bảo đảm TTATGT, bổ sung giải pháp, đề xuất cụ thể cho các chính sách về vấn đề này. Riêng với các nút giao thông và các nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm giao thông, thẩm quyền bảo trì các tuyến quốc lộ cần có đề xuất riêng cụ thể với Đoàn giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới cũng đề nghị, Đồng Nai cần tập trung rà soát các văn bản, đưa ra những kiến nghị phù hợp với điều kiện địa lý, văn hóa của địa phương; chú trọng việc phân tích số liệu và nguyên nhân của các vụ tai nạn, làm cơ sở đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp giữa các lực lượng và ngành chức năng trong công tác quản lý về TTATGT.

Bài và ảnh: Nhật Trường