Đạo diễn Phan Đăng Di:
Thay đổi tư duy vận hành Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh
Luật Điện ảnh (sửa đổi) giữ lại quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh là điều đáng quý, nhưng quan trọng là có vận hành được Quỹ, giúp điện ảnh phát triển hay không. Mọi người vẫn đặt ra câu hỏi Quỹ lấy tiền từ đâu, sẽ hoạt động như thế nào? Tôi thấy rằng, cần thay đổi tư duy trong vận hành Quỹ cũng như dùng tiền ngân sách cho văn hóa một cách đúng đắn, theo hướng dùng Quỹ để phát hiện, hỗ trợ tài năng, tìm ra con đường mới cho điện ảnh.
Nhìn rộng hơn, điện ảnh Việt Nam muốn đi xa thì phải làm gì? Chúng ta hoàn toàn chưa xác định rõ ràng mục tiêu đó. Tôi cho rằng, trước hết muốn điện ảnh Việt Nam đi xa thì mình cần có tư duy hội nhập, trên cơ sở học hỏi các khu vực quan trọng nhất của điện ảnh thế giới đang làm gì, tôn vinh điều gì; từ đó thấy cần làm gì để điện ảnh Việt Nam vươn xa. Đó không còn là chuyện cấp tiền, mà phải thay đổi tư duy nhìn nhận tác phẩm nghệ thuật, không nên quá lo lắng, mà cần coi trọng sự sáng tạo, dù tất nhiên sáng tạo luôn gây tranh cãi, thậm chí trái chiều. Điều đó đòi hỏi sự thấu hiểu, can đảm từ phía những người lãnh đạo cao nhất, để tạo điều kiện cho nghệ sĩ sáng tạo.
Mô hình vận hành Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh các nước đã có, chúng ta cần học hỏi, lập ra Hội đồng gồm các nhà chuyên môn, trong đó có cả các nhà chuyên môn nước ngoài để đánh giá tác phẩm. Bên cạnh đó, có cách nhìn nhận, lựa chọn tài năng một cách minh bạch rõ ràng để đầu tư, hỗ trợ.
Tôi cũng mong rằng khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) đi vào cuộc sống, cần tạo cơ chế để điện ảnh tư nhân, nhà làm phim trẻ sáng tạo, đơn giản hóa chuyện xin giấy phép, có chính sách cụ thể ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh...
Phan Cẩm Tú - BCH Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam:
Thông điệp tích cực đến nhà làm phim nước ngoài
Điều 13 trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua quy định về hoạt động sản xuất phim của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Việc có một điều khoản riêng cho nội dung này khẳng định Việt Nam mong muốn được đón các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam. Tôi tin rằng các nhà làm phim nước ngoài sẽ nhận được thông điệp tích cực này. Các quy định về thủ tục xin phép làm phim tại Việt Nam luôn được các nhà làm phim nước ngoài rất quan tâm khi cân nhắc việc đến Việt Nam làm phim. Sự minh bạch, rõ ràng của các quy định là một trong những yếu tố quyết định sự hấp dẫn của một địa điểm quay phim và Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng này.
Bên cạnh đó, để có thể thực sự thu hút các nhà làm phim nước ngoài Việt Nam sẽ cần có các quy định ưu đãi cho hoạt động làm phim. Hiện nay rất nhiều quốc gia khác trên thế giới đã có những quy định ưu đãi hấp dẫn nhằm mời gọi các nhà làm phim đến với họ, như Thái Lan, quốc gia láng giềng của Việt Nam. Quy định về ưu đãi thuế cho hoạt động làm phim đã có trong Luật Điện ảnh từ nhiều năm nay hy vọng sẽ được cụ thể hóa để có thể áp dụng trong thực tế và thực sự mang lại lợi ích cho các nhà làm phim trong và ngoài nước.
Việt Nam đã và đang được rất nhiều nhà làm phim quốc tế quan tâm. Họ muốn đến Việt Nam để kể những câu chuyện về đất nước và con người Việt Nam, để mang Việt Nam đến với thế giới và mang bạn bè khắp nơi đến với Việt Nam. Điện ảnh luôn được sử dụng như một cầu nối hữu hiệu cho mục đích này và Luật Điện ảnh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho một cây cầu vững chắc nối Việt Nam với thế giới.
Nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hạnh (Công ty TNHH BHD):
Sớm ban hành các văn bản dưới Luật
Khi bắt đầu sửa đổi Luật Điện ảnh, doanh nghiệp rất kỳ vọng có thể thay đổi được nhiều thứ, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh nói chung cũng như các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng có thể phát triển công nghiệp điện ảnh tốt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và đến thời điểm bây giờ khi dự thảo Luật đã được Quốc hội thông qua, chúng tôi thấy để đạt các mục tiêu đặt ra còn là cả một chặng đường rất dài. Một mình Luật Điện ảnh (sửa đổi) không thể giải quyết được hết các vấn đề hỗ trợ điện ảnh mà còn liên quan đến các cơ quan, ban, ngành khác.
Chẳng hạn, để Việt Nam trở thành một phim trường lớn của điện ảnh Việt Nam và thế giới, thủ tục cấp giấy phép quay phim cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài cần phải thông thoáng, đơn giản hơn. Hiện nay, muốn quay phim tại một địa điểm có thể phải xin từ 3 - 5 giấy phép, từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phường, Sở Giao thông - Vận tải, Công ty Công viên cây xanh… và còn chưa biết sẽ phát sinh những đơn vị nào nữa. Chỉ một công việc đơn giản vậy thôi nhưng nếu mất quá nhiều thời gian, doanh nghiệp sẽ không quay ở địa điểm đẹp của Việt Nam nữa mà chuyển sang những chỗ đẹp vừa vừa nhưng thủ tục nhanh gọn.
Đấy là một việc rất nhỏ trong hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc sản xuất phim tại Việt Nam. Khi chúng tôi góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), mọi người đều nói vấn đề này chỉ cần thông tư, nghị định quy định. Vì vậy, tôi hy vọng ngay khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) ra đời và có hiệu lực, các văn bản dưới luật sẽ được ban hành nhanh hơn, gần hơn để hỗ trợ thiết thực hơn cho doanh nghiệp.