Giám sát phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 tại Quảng Ninh:

Khẳng định vị thế là trung tâm năng lượng quốc gia

- Thứ Hai, 15/05/2023, 09:53 - Chia sẻ

Để thực hiện thành công cam kết của COP26 và phát triển năng lượng bền vững, hiệu quả hơn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gợi mở, Quảng Ninh cần tiếp tục tính toán, làm tốt các quy hoạch để phát triển năng lượng hiệu quả, đồng thời đánh giá thêm thế mạnh ở loại hình năng lượng khác, từ đó thấy được bức tranh toàn cảnh tiềm năng, lợi thế của địa phương là một trung tâm năng lượng quốc gia.

Chú trọng triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện cho biết, thời gian qua địa phương luôn bám sát định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời ban hành các văn bản, quy hoạch, kế hoạch trong lĩnh vực phát triển năng lượng trên địa bàn. Cụ thể, căn cứ Nghị quyết của Bộ Chính trị, quy định pháp luật tác động đến lĩnh vực năng lượng và các chỉ đạo của Chính phủ, Quảng Ninh đã cụ thể hóa các chính sách về phát triển năng lượng thông qua việc ban hành 34 văn bản có liên quan. Quá trình xây dựng, ban hành các văn bản được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, có tham vấn ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị, bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của cá nhân, tập thể về sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực sản xuất điện, khai thác than, cung ứng xăng dầu…

Khẳng định vị thế là trung tâm năng lượng quốc gia -0
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 8.5.2023. Ảnh: Trung Thành

Ghi nhận những nỗ lực này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Quảng Ninh đã rất chú trọng đến việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng. Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng đã chỉ ra 35 vấn đề tồn tại, bất cập và 30 nguyên nhân khách quan, 12 nguyên nhân chủ quan, đồng thời đưa ra đề xuất, kiến nghị về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập của 10 văn bản luật, 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy định, nghị định của Chính phủ và bộ, ngành có liên quan. “Đây là chất liệu rất tốt để Đoàn giám sát kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý với các nghị định, thông tư cũng như xem xét, tiếp thu trong quá trình sửa đổi những văn bản quy định pháp luật khác", Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ. 

Thành công trong chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh"

Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tổ trưởng Tổ công tác của Đoàn giám sát Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, Quảng Ninh cần làm rõ hơn thách thức, cơ hội và vấn đề đặt ra, giải pháp, tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học (cả trên cạn và dưới nước) cũng như tình hình phát thải khí nhà kính. Bởi thực tế cho thấy, tỉnh chưa làm rõ và cụ thể hóa những chỉ đạo, giải pháp đưa ra để chuyển dịch năng lượng từ "nâu" sang "xanh".

Cùng quan điểm, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, mặc dù Quảng Ninh đang tiến hành việc chuyển dịch năng lượng từ "nâu" sang "xanh", nhưng nội dung này chưa được thể hiện trong các quy hoạch năng lượng tái tạo, thậm chí chưa được đánh giá trong các quy hoạch về điện, phát triển điện, phát triển khí của quốc gia, của Chính phủ. Vậy cụ thể chủ trương chuyển đổi của Quảng Ninh là như thế nào? 

Giải trình những vấn đề Đoàn giám sát nêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tích cực chỉ đạo các ngành nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung theo cam kết của Việt Nam tại COP26. Trong đó, nghiên cứu tổ chức theo hướng giảm dần và tiến tới chấm dứt phát thải, xây dựng lộ trình dừng các nhà máy nhiệt điện than, khuyến khích các dự án năng lượng xanh, sạch, tái tạo, như điện gió, mặt trời... Đồng thời, đã ban hành kế hoạch chỉ đạo để thực hiện với một số giải pháp, như xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế… Đặc biệt, Quảng Ninh xác định rõ, không chấp thuận dự án có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hoặc không phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng môi trường tự nhiên từng bước được cải thiện. Năm 2019, chỉ số quản trị môi trường của Quảng Ninh đạt 4,75 điểm, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Trao đổi thêm về nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Quảng Ninh tổ chức thực thi chính sách, pháp luật rất bài bản, hiệu quả theo đúng tinh thần chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh" và đã thành công. Đơn cử, tiêu chuẩn về môi trường hiện nay nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đạt mức ngang bằng với các nước phát triển nhất ở châu Á và đang hướng đến có một số vị trí phát triển du lịch phải đạt tiêu chuẩn cao nhất. Hoặc với việc kiểm soát về phát thải, khí, khói, bụi, ồn rung…, đặc biệt là tro bay trong nhà máy điện, thì hiện đã có riêng thiết bị giám sát tại miệng lò của các nhà máy chạy trực tiếp về Trung tâm quan trắc môi trường do tỉnh Quảng Ninh lắp đặt, kiểm soát…

Đánh giá cao những kết quả Quảng Ninh đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021, song Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nêu rõ, việc thực hiện theo cam kết của COP26 sẽ có nhiều thách thức đặt ra với địa phương. Để hoàn thành mục tiêu này, bảo đảm phát triển năng lượng bền vững và hiệu quả hơn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, Quảng Ninh cần tiếp tục tính toán, làm tốt các quy hoạch để phát triển năng lượng hiệu quả, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, chồng chéo của quy hoạch ngành than, quy hoạch rừng… Tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành các quy định theo thẩm quyền, nhất là những quy định liên quan đến ngành than và cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp phát triển năng lượng. Cùng với đó là công tác tổ chức, quản lý, tuyển dụng, đào tạo cán bộ; nghiên cứu, kiến nghị điều chỉnh các chính sách về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, sử dụng mặt nước, mặt biển, các cơ chế, chính sách để chống đầu cơ, trục lợi, "lợi ích nhóm" trong lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt, cần đánh giá thêm thế mạnh ở các loại hình năng lượng khác, như sóng biển (năng lượng thủy triều)… để thấy được "bức tranh" toàn cảnh tiềm năng, lợi thế của địa phương là một trong những trung tâm năng lượng của quốc gia.

Trung Thành