Hỏi - đáp chính sách, pháp luật

- Thứ Bảy, 15/06/2024, 16:18 - Chia sẻ

Hỏi: Đoàn ĐBQH được tổ chức như thế nào?

Đáp: Theo Điều 43, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, Đoàn ĐBQH là tổ chức của các ĐBQH được bầu tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc được chuyển đến công tác tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đoàn ĐBQH có nhiệm vụ, quyền hạn: Tổ chức để các ĐBQH tiếp công dân; phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ ở địa phương tổ chức, bảo đảm các điều kiện để ĐBQH tiếp xúc cử tri với các hình thức phù hợp. Tổ chức để các ĐBQH thảo luận về dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác, dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH và tổ chức để các ĐBQH trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia và phối hợp với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát tại địa phương; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà ĐBQH, Đoàn ĐBQH đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp thông tin, báo cáo về những vấn đề mà Đoàn ĐBQH quan tâm. Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH. Quản lý, chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH. 

Đoàn ĐBQH có Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn là ĐBQH hoạt động chuyên trách. Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn do Đoàn ĐBQH bầu trong số các ĐBQH của Đoàn và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Trưởng đoàn ĐBQH tổ chức và điều hành các hoạt động của Đoàn.

Phó Trưởng đoàn giúp Trưởng đoàn thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn. Khi Trưởng đoàn vắng mặt thì Phó Trưởng đoàn được Trưởng đoàn ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn. Đoàn ĐBQH có trụ sở làm việc. Văn phòng Đoàn ĐBQH là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH tại địa phương. Kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Nguyễn Vũ