Cần cách tiếp cận tổng thể hơn về bảo đảm an ninh nguồn nước

- Thứ Bảy, 15/06/2024, 15:21 - Chia sẻ

Bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, nước cho hoạt động sản xuất công nghiệp và rộng hơn là bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Kỳ họp thứ Bảy. Cử tri và đại biểu Quốc hội kỳ vọng vào những giải pháp căn cơ, triệt để và khả thi cho trước mắt và lâu dài từ Chính phủ với nội dung này.

Chủ động ứng phó với hạn hán, thích ứng biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn ở Việt Nam, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo là một thách thức lớn. Đây là vấn đề được các ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông), Trần Thị Thu Phước (Kon Tum)... nêu tại phiên chất vấn với lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Các đại biểu đề nghị, "tư lệnh" ngành tài nguyên và môi trường cho biết các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước? Đại biểu Trần Thị Thu Phước mong muốn, Bộ trưởng nêu những giải pháp lớn nhằm ứng phó với tình trạng khô hạn, hạn hán kéo dài do tác động của hiệu ứng nóng lên toàn cầu.

Thừa nhận thực tế biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến Việt Nam - 1 trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và tác động đến nguồn nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu rõ, trước dự báo biến đổi khí hậu, trong đó có hạn hán, sẽ còn tiếp diễn trong các năm tới buộc nước ta phải có các giải pháp nhằm chủ động ứng phó với hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Cần cách tiếp cận tổng thể hơn về bảo đảm an ninh nguồn nước -0
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Không chỉ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, mà hiện nay 60% nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài, 40% còn lại là nội sinh. Từ thực tế này, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để bảo đảm an ninh nguồn nước, trước tiên phải bảo đảm được nguồn nước nội sinh. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần tiếp tục bảo vệ rừng, trồng thêm rừng với Đề án trồng 1 tỷ cây xanh và phải sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Về bảo đảm an ninh nguồn nước, Bộ trưởng nêu một số giải pháp. Trong đó, trước hết là nhóm giải pháp phi công trình - về thể chế, chính sách. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã có đầy đủ các quy định, yêu cầu để thực thi được nhóm giải pháp này. Tiếp đó là các nhóm giải pháp về công tác quy hoạch.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 quy hoạch quốc gia là Quy hoạch về tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể điều tra, đánh giá tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cùng với đó là 8 quy hoạch các lưu vực sông. Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang tham mưu để Chính phủ phê duyệt tiếp 5 quy hoạch các lưu vực sông. Điều này có nghĩa, “từ luật, nghị định, thông tư gắn vào quy hoạch và chúng ta có tổ chức lưu vực sông để điều hành, quản lý liên tỉnh nhằm bảo đảm trách nhiệm của các địa phương cùng phối hợp thật tốt, bảo đảm sử dụng nước hiệu quả nhất". 

Cần cách tiếp cận tổng thể hơn về bảo đảm an ninh nguồn nước -0
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng cũng cho biết, trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cục bộ tại một số nơi khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cần tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động trong việc tích trữ nước và sử dụng tiết kiệm nước. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, xử lý, điều hòa, điều phối nguồn nước, bảo đảm được an ninh nguồn nước quốc gia; phối hợp với các nước trong khu vực trong quản lý tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Nêu một số giải pháp nhằm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ trưởng cho rằng, cần nâng cao năng lực thông tin chính xác để cảnh báo sớm cho các địa phương, người dân, kể cả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như mùa vụ từng năm. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nâng cao, tăng cường ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện nay, kể cả trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích, dự báo, cảnh báo, đặc biệt là kịp thời cảnh báo, thông tin cho các địa phương.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các kịch bản về nguồn nước. "Đến năm 2025, với các dòng sông đã có quy hoạch, chúng tôi đang xây dựng kịch bản cùng với các địa phương thực hiện kịch bản nguồn nước để bảo đảm phòng, chống hạn hán tối ưu; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động trong mùa vụ sản xuất của Nhân dân và tăng cường tích trữ nước trong thời gian tới", Bộ trưởng nói.

Chuyển đổi sang trạng thái sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, có tính toán

Tham gia giải trình, làm rõ thêm vấn đề đại biểu nêu liên quan tới tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, sau chuyến thị sát những khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình đề án vào tháng 9 tới, nhằm tiếp cận một cách tổng thể, chiến lược hơn với vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn và khan hiếm nước ở khu vực này.

Về bảo đảm an ninh nguồn nước, Bộ trưởng nêu rõ, thế giới đánh giá chúng ta đang ở “kỷ nguyên khô hạn” và nỗi lo thiếu nước hiện mang tính toàn cầu, chứ không phải riêng Việt Nam. Nhắc lại thực tế Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cũng cho biết, với bảo đảm an ninh nguồn nước, cần tiếp cận ở 3 chủ thể: một là số lượng nước, hai là chất lượng nước và ba là cách thức sử dụng nguồn nước. Trong đó, "cách thức sử dụng nước sẽ tác động tới số lượng nước và chất lượng nước".

Một điều hiển nhiên là nguồn tài nguyên nào nếu khai thác, sử dụng không hợp lý thì cũng đến lúc khan hiếm, cạn kiệt. Hơn nữa, “chúng ta chưa bao giờ xem nước là một tài nguyên dù khẳng định là tài nguyên nước”. Nêu thực tế này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, chúng ta cứ nghĩ nước là vô hạn, nhưng thật sự bây giờ đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, với cách thức khai thác và sử dụng như hiện nay, thì nước là tài nguyên hữu hạn, khi đó cách thức tiếp cận phải thay đổi theo hướng một nền nông nghiệp khan hiếm nước.

Cần cách tiếp cận tổng thể hơn về bảo đảm an ninh nguồn nước -0
ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum). Ảnh: Hồ Long

Từ bài học kinh nghiệm của Israel - quốc gia sa mạc nhưng vẫn có một nền nông nghiệp vượt trội, Bộ trưởng cho rằng, cần giáo dục từ trẻ nhỏ về văn hóa tiết kiệm nước, tiết kiệm trong tiêu dùng, trong sinh hoạt và kể cả trong nền nông nghiệp. “Có lẽ đến giờ này cũng phải có một tuyên ngôn với bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long và cả nước rằng, chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước mà nước sẽ ngày càng khan hiếm hơn, để chúng ta tiếp cận một cách vừa ngắn hạn, vừa dài hạn bằng chiến lược tổng thể nhằm chuyển đổi trạng thái nông nghiệp từ nền nông nghiệp sử dụng nước không mất phí sang dần dần sẽ có tính toán, bởi nước đang ngày càng hữu hạn”, Bộ trưởng nói.

Cùng với đó, để lan tỏa hơn thì cần thay đổi trong cách thức sử dụng nước nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới dung lượng nước. Thay vì “tưới tràn”, “tưới xả” theo thói quen lâu nay trong sản xuất nông nghiệp, theo Bộ trưởng, "đã đến lúc bà con nông dân cần chuyển sang tưới nhỏ giọt để điều chỉnh từng đơn vị nước cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản".

Bộ trưởng cũng cho rằng, câu chuyện nông dân tiết kiệm nước còn liên quan tới phát thải khí nhà kính; thực tế “tiết kiệm nước cũng là gắn với biến đổi khí hậu, với tăng trưởng xanh”. Vì thế, mong muốn là "Quốc hội ủng hộ đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt: Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh. Trước mắt là những công trình đã đề xuất ở đồng bằng sông Cửu Long để hạn chế xâm nhập mặn và trữ ngọt... "Chúng tôi sẽ chọn lựa những công trình đã làm rồi, những công trình chúng ta hay gọi là “không hối tiếc” và đề nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long, để khép lại một số công trình chúng ta đang đầu tư “nửa kín, nửa hở”, chưa có tác dụng phủ và ưu tiên những công trình có sức lan tỏa, có độ phủ để nhiều bà con nông dân được hưởng lợi", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Nhật An